Báo động sức khỏe của doanh nghiệp
Đây là lần thứ 6, VCCI công bố Báo cáo doanh nghiệp Việt Nam, song lại là lần thứ 2 liên tiếp, sức khoẻ doanh nghiệp Việt Nam được báo động ở mức cao.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, chỉ số thanh khoản, năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp trong 6 ngành nghiên cứu đều có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp lỗ tăng lên.
"Chỉ số nợ của toàn bộ 6 ngành đều không thoả mãn giá trị kỳ vọng chuẩn. Ngoại trừ đặc thù của ngành bán lẻ thực phẩm đồ uống thường hoạt động dựa trên các khoản nợ đối với nhà cung cấp, việc chỉ số nợ trong các doanh nghiệp sản xuất cao sẽ ảnh hưởng không tốt tới khả năng tài chính của doanh nghiệp", bà Hằng phân tích.
Nếu nhìn vào từng ngành, chế biến thủy sản có chỉ số nợ cao nhất, 2,9 lần năm 2011, nghĩa là tổng số nợ của doanh nghiệp gấp gần 3 lần so với vốn tự có của họ, nghĩa là các doanh nghiệp này đang dựa quá nhiều vào các khoản nợ và do đó, dẫn đến chỉ số thanh toán kém.
Trong số 3 ngành sản xuất được nhắc tới, thì sản xuất đồ uống có chỉ số nợ thấp nhất, luôn dao động trong khoảng 1 lần và chỉ tăng lên 1,3 lần năm 2011. Ngành sản xuất cấu kiệu kim loại có chỉ số nợ cao, 2,3 lần trong năm 2011.
Với chỉ số này của ngành sản xuất cấu kiện kim loại, các chuyên gia nghiên cứu cảnh báo, sự phụ thuộc nhiều vào các khoản nợ, cộng với hiệu suất lợi nhuận trên doanh thu của ngành này cũng thấp nhất trong 6 ngành, cho thấy doanh nghiệp sản xuất cấu kiện kim loại có khả năng sinh lời rất thấp, rất khó thu hút nhà đầu tư.
Liên quan đến chỉ số khác được sử dụng để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 cũng cho thấy, chỉ số khả năng trả lãi vay trong các ngành đều suy giảm trong giai đoạn 2009 - 2011, báo động tình trạng chi trả các khoản lãi vay của các doanh nghiệp trong các ngành nghiên cứu ngày càng kém đi.
Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là sản xuất đồ uống, quảng cáo và giới thiệu xúc tiến thương mại, giảm từ khoảng 9 lần năm 2010 xuống còn 2 - 4 lần vào năm 2011.
Nguồn Đầu tư