Báo động nợ bảo hiểm thất nghiệp
Hơn một triệu người được chi trả BHTN
Qua 5 năm thực hiện chính sách BHTN, số người tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng. Nếu như năm 2009 có 5,993 triệu người tham gia BHTN; thì con số này năm 2010 là 7,206 triệu người; năm 2011 là 7,968 triệu người; năm 2012 là 8,304 triệu người và 9 tháng đầu năm 2013 là 8,347 triệu người.
Từ ngày 1/1/2010 đến nay, toàn quốc đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 1.213.757 người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 984.509 người; hỗ trợ học nghề cho 13.599 người...
"Quỹ BHTN hiện có số kết dư lớn là do năm 2009 chỉ thu không phải chi trả, năm 2010 - 2011 thực hiện chi trả mới ở mức thấp. Nhưng từ năm 2012 trở đi, quỹ BHTN bắt đầu chi nhiều do số người hưởng trợ cấp ngày càng tăng cao, thời gian hưởng dài hơn. Do đó, nếu không kịp thời thay đổi chính sách thì về lâu dài, việc cân đối thu chi BHTN sẽ khó khăn".
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhận định: "Thời điểm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp rơi đúng thời điểm nền kinh tế Việt Nam khó khăn, nhiều người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp".
Tuy nhiên, cũng chính tình trạng khó khăn của nền kinh tế đã dẫn đến tình trạng nợ đóng BHTN đang gia tăng với số nợ khá lớn, tính đến tháng 8/2013, số nợ đã là trên 600 tỷ đồng, trong đó nợ ngân sách là gần 303 tỷ đồng và đơn vị lao động nợ 292 tỷ đồng. "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài yếu tố khách quan như tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, còn do một số địa phương chưa bố trí được ngân sách và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, quy định về phạt lãi chậm đóng còn thấp…", ông Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội lý giải.
Vẫn còn nhiều "lỗ hổng"
Trước thực trạng người lao động phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần để giải quyết chính sách, khiến việc giải quyết, chi trả chế độ BHTN chậm hơn so với quy định, gây thắc mắc cho người lao động, ông Nguyễn Quang Trung thừa nhận: "Hiện việc thực hiện chính sách BHTN do 2 cơ quan thực hiện (Bộ Lao động, thương binh và Xã hộivà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) dẫn đến tình trạng trên. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thay đổi một số quy định để tiếp nhận và giải quyết BHTN theo phương châm 3 đúng "Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn"; thay đổi quy trình giải quyết chế độ BHTN theo hướng linh hoạt hơn tránh việc người lao động phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến còn cho rằng, chính sách BHTN vẫn còn một số "lỗ hổng" khi chưa có quy định về trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, dẫn đến hưởng song trùng cả hai chế độ; việc khai báo tình trạng việc làm còn phụ thuộc vào sự trung thực của người khai báo, chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát thông tin khai báo của người lao động.
Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện hưởng BHTN, đối tượng tham gia BHTN, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo tháng và một lần còn chưa hợp lý, vẫn tạo kẽ hở cho người lao động, người sử dụng lao động trục lợi...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề xuất: "Cần có những quy định pháp luật nghiêm khắc hơn với những chế tài xử phạt đủ sức răn đe để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng trục lợi BHTN".
Nguồn Giao thông Vận tải