Báo động đỏ trên thị trường hàng hóa cơ bản
Những ngày này là thời khắc khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa cơ bản. Một đợt bán tháo trên thị trường dầu mỏ (bắt đầu vào tháng 6.2014) đã lan sang cả các loại hàng hóa khác. Đáng nói là một cuộc khủng hoảng diện rộng đang bắt đầu xuất hiện khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi các công ty sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu mọi thứ từ dầu cho đến vàng, đồng và nhôm. Phản ứng của nhà đầu tư cũng là điều dễ hiểu khi nhu cầu các loại hàng hóa từ thị trường tiêu thụ lớn nhất - Trung Quốc - giảm sâu cũng như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất, chấm dứt thời kỳ vốn rẻ.
Một chỉ số hàng hóa Bloomberg theo dõi 22 nguyên vật liệu đã giảm 50% kể từ mức đỉnh của năm 2011 và đang giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 1999. Trong số 10 cổ phiếu diễn biến tồi tệ nhất của chỉ số chứng khoán Standard & Poor’s 500 năm nay, có đến 8 cổ phiếu là của các công ty có liên quan đến hàng hóa.
Cuộc khủng hoảng đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao. Alcoa, tập đoàn công nghiệp có 127 năm tuổi đời và là nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ chia tách thành 2 công ty nhỏ hơn. Trong khi đó, Royal Dutch Shell, một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cho biết sẽ từ bỏ dự án khoan tại vùng biển Bắc cực sau khi đã chi tới 7 tỉ USD vào đây. Khủng hoảng lên tới cực điểm khi cổ phiếu của Glencore, tập đoàn hàng hóa Thụy Sĩ chuyên kinh doanh và sản xuất một số nguyên vật liệu quan trọng nhất của thế giới trong đó có kẽm và đồng, đã mất đi gần 1/3 giá trị.
“Nỗi lo sợ trên thị trường đã dâng cao. Nhu cầu ảm đạm đối với tất cả mọi loại hàng hóa dường như đã đẩy mọi người rơi vào cơn hoảng loạn”, Ed Hirs, Giám đốc Điều hành nhà sản xuất dầu Hillhouse Resources và đang dạy kinh tế học năng lượng tại Đại học Houston, đánh giá.
Đây có thể chỉ mới là sự khởi đầu. Các chuyên gia phân tích John LaForge và Warren Pies của Ned Davis Research Group, cho biết hàng hóa đang trong năm thứ 4 của “siêu chu kỳ giá xuống” kéo dài 20 năm. Các chuyên gia phân tích này đã xem xét những đợt bong bóng hàng hóa xì hơi vào thế kỷ 18 và nhận thấy chúng đặc biệt bị chi phối bởi đà thị trường hơn là các yếu tố cung cầu. “Sẽ có nhiều công ty phải đóng cửa. Điều này sẽ làm giảm nguồn cung”, LaForge nói. Tin tốt lành là phần lớn “thiệt hại” xảy ra trong 6 năm đầu tiên của chu kỳ.
Theo một cách nào đó, các nhà sản xuất hàng hóa chỉ là đang gặt hái những gì họ đã gieo. Một thập niên giá cao, do nhu cầu tăng mạnh ở thị trường Trung QUốc, đã thu hút hàng tỉ USD vốn đầu tư mới nhằm đẩy mạnh sản xuất. Chỉ riêng các nhà khai thác mỏ đồng tính tổng cộng đã tăng chi tiêu vốn hằng năm lên mức hơn 33 tỉ USD trong giai đoạn 2002-2012 nhằm mở rộng hoạt động gấp 15 lần, theo Citigroup. Giờ khi công suất khai thác tăng mạnh thì cũng là lúc nhu cầu đối với các loại hàng hóa giảm sâu, dẫn đến tình trạng thừa cung trầm trọng.
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều năm. Một vấn đề lớn hơn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chuyển hướng nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng tập trung vào công nghiệp sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng. Sự chuyển hướng này đang khiến cho các công ty khai thác kim loại lao đao vì họ chủ yếu sống nhờ vào việc cung cấp cho các nhà máy ở Trung Quốc. Đại lục Trung Quốc vẫn là nhà tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, vì thế thậm chí đợt suy giảm nhẹ nhất về nhu cầu nguyên vật liệu cũng đã tạo ra những tác động lan tỏa khắp ngành. “Khi nền kinh tế Trung Quốc bị cảm lạnh thì các kim loại cơ bản bị lao phổi”, Tai Wong, Giám đốc bộ phận giao dịch các sản phẩm hàng hóa tại BMO Capital Markets, ví von.
Trung Quốc đã tiêu thụ gần như phân nửa lượng đồng của thế giới vào năm 2014, theo tính toán của Goldman Sachs. Ngân hàng này cho biết nhu cầu của nước này sẽ tiếp tục ảm đạm trong suốt năm nay. Nếu như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1988 nhu cầu đồng tại Trung Quốc không tăng lên, theo Goldman Sachs. Thậm chí khi các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng, thế giới cũng sẽ bị ngập trong lượng cung thừa tới 485.000 tấn đồng, cao hơn năm ngoái 18%. Kết quả là Goldman Sachs dự kiến giá đồng trong năm 2015 sẽ ở mức trung bình khoảng 5.670 USD/tấn, thấp hơn 17% so với năm 2014.
Để cho thấy mức độ quan trọng của Trung Quốc đối với ngành đồng thế giới, Dane Davis, chuyên gia phân tích tại Barclays, lấy dẫn chứng từ ngành xây dựng của nước này, vốn tiêu thụ lượng đồng nhiều bằng cả tất cả các nền kinh tế Canada, Nhật, Mexico và Mỹ cộng lại. Mức tiêu thụ vào khoảng 3-4 triệu tấn mỗi năm. “Thật sự không thể tưởng tượng nổi”, ông nói.
Đây là một vấn đề lớn cho các công ty khai thác mỏ khi thị trường bất động sản Trung Quốc nguội lạnh và chi tiêu vào cơ sở hạ tầng ảm đạm. Một nền kinh tế Trung Quốc dựa nhiều hơn vào động cơ tăng trưởng là tiêu dùng sẽ cần nhiều hàng hóa liên quan đến năng lượng và lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng kim loại lại là một câu chuyện khác. “Nền kinh tế tiêu dùng sẽ tiêu thụ ít kim loại hơn rất nhiều xét trên bình quân đầu người”, Davis nói.
Điều này đang để lại hậu quả cho Glencore. Tập đoàn này đã hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác và vì thế cũng bị thiệt hại nặng nề khi cơn sốt này hạ nhiệt. Kể từ tháng 4, giá cổ phiếu Glencore đã giảm 60%. Các nhà giao dịch chứng khoán phái sinh đã bắt đầu yêu cầu phải thanh toán trước để phòng ngừa rủi ro trong trường hợp công ty này vỡ nợ - lần đầu tiên xảy ra kể từ khi các thị trường tín dụng gặp khó vào năm 2009.
Các nhà đầu tư không cảm thấy an tâm về kế hoạch giảm nợ lên tới 10 tỉ USD do Tổng Giám đốc Ivan Glasenberg của Glencore công bố cách đây vài tuần cũng như kế hoạch bán đi mảng nông nghiệp. Cuối tháng 9 vừa qua, Investec, một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Anh, khuyến cáo nếu giá hàng hóa tiếp tục đà giảm, gần như sẽ chẳng còn giá trị nào nữa cho các cổ đông thường của Glencore. “Mọi người ngửi thấy mùi máu và họ đang lượn lờ quanh đó. Thị trường đang tìm kiếm người để thử nghiệm và Glencore đang trong tầm ngắm của họ”, Clive Burstow, nhà quản lý quỹ tại Baring Asset Management ở London, nhận xét.
Một năm sau đợt phát hành IPO vào năm 2011 định giá Glencore ở mức 59 tỉ USD, Glasenberg đã thực hiện một thương vụ mà giờ đây là nỗi ân hận lớn nhất của Tập đoàn. Đó là thương vụ mua lại Xstrata, lúc ấy là nhà xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới, với giá tới 29 tỉ USD. Mục đích nhằm đưa các nhà giao dịch của Glencore tiếp cận được với nguồn cung dồi dào và đa dạng các nguyên vật liệu từ các mỏ mà Xstrata sở hữu. Không ngờ, chính tham vọng bành trướng đó giờ là tâm điểm những rắc rối hiện nay của Tập đoàn.
“Glencore không còn là một tập đoàn kinh doanh nữa. Nó sở hữu những tài sản đồng rất lớn. Vì thế, giá cả giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của Tập đoàn”, Mu Li, Giám đốc bộ phận nghiên cứu kim loại cơ bản và kim loại đặc biệt tại CPM Group, nhận xét.
Vào cuối tháng 9, Glencore cho biết tình hình kinh doanh “về mặt hoạt động và tài chính vẫn tốt” và “không có vấn đề liên quan đến khả năng trả nợ”. Sau vụ rớt giá còn chỉ 68,62 bảng Anh/cổ phiếu vào ngày 28.9, giá đã khôi phục lại lên mức 113,50 bảng Anh/cổ phiếu vào ngày 20.10. Thế nhưng, giá cổ phiếu Glencore vẫn giảm 62% kể từ đầu năm đến nay.
Giống như Glencore, vấn đề của Alcoa cũng xuất phát từ Trung Quốc. Thay vì đóng cửa các nhà máy chế biến quặng bô-xít thành nhôm, dẫn đến nguy cơ hàng loạt việc làm bị bốc hơi, Trung Quốc lại quyết định duy trì hoạt động của các nhà máy này, vốn tiếp tục cho ra lượng nhôm giá rẻ. Kết quả là giá nhôm liên tục giảm mạnh.
Gần đây, Macquarie Group cho biết, khoảng phân nửa lượng sản xuất nhôm thế giới đang thua lỗ ở mức giá hiện tại, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm tới 52% lượng sản xuất nhôm toàn cầu. Năm nay, nước này sẽ sản xuất ra 30,5 triệu tấn nhôm, cao hơn gần 3 triệu tấn so với năm ngoái, theo các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley.
Thay vì cạnh tranh với nguồn cung giá rẻ, Alcoa đang chia tách mảng luyện kim đang gặp khó để tập trung vào mảng có biên lợi nhuận cao hơn là sản xuất các sản phẩm nhôm cho ngành vận tải, xây dựng và ngành hàng không vũ trụ.
Đàm Hoa
Nguồn Bloomberg