Báo cáo Quốc hội vụ Vinashin, Vinalines và “bầu” Kiên
Theo đó, các vị đại biểu tự nghiên cứu các báo cáo về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý giá, trong đó tập trung vào việc quản lý và bình ổn giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân như: xăng dầu, điện, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas), phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.
Tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nghị quyết của Quốc hội, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về tình hình xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng mà cử tri và nhân dân quan tâm (vụ án Vinashin, Vinalines; vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên...) cũng nằm trong danh sách các vấn đề được bổ sung.
Trong chương trình kỳ họp, vấn đề nhân sự dự kiến sẽ được bố trí xen kẽ với một số nội dung khác, bắt đầu từ sáng ngày 12/11 đến sáng ngày 16/112013 (trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua Hiến pháp, Luật Đất đai), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Liên quan đến các nội dung cụ thể, một số vị đại biểu đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày; tăng thời gian thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ nửa ngày lên một ngày, đồng thời bố trí thêm thời gian thảo luận tổ về dự án luật này.
Với thời gian dự kiến khoảng một tháng rưỡi, có ý kiến đề nghị xem xét chia kỳ họp thành hai đợt, cách nhau khoảng hai tuần, để các đại biểu ở xa có điều kiện giải quyết các công việc ở địa phương.
Sau khi tiếp thu và sắp xếp lại, dự kiến thời gian của kỳ họp là 41 ngày, từ 21/10 đến 30/11/013, trong đó thời gian làm việc chính thức của Quốc hội là 35 ngày (gồm 5/6 ngày thứ Bảy), Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Cơ bản nhất trí với nội dung và chương trình kỳ họp được Văn phòng Quốc hội báo cáo, song Chủ tịch Quốc hội và một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ làm việc 3/6 ngày thứ Bảy để không quá căng thẳng về thời gian và tâm lý.
Với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch cũng lưu ý sau khi bố trí thảo luận ở tổ và hội trường dự thảo đã tiếp thu sẽ được gửi cho đại biểu sửa trực tiếp, sau đó phát phiếu thăm dò ý kiến một số điều quan trọng và dành riêng một buổi để thông qua.
Nguồn VnEconomy