Báo cáo của HSBC về Việt Nam: Sự nổi lên của kẻ yếu
Cách đây hai năm, các nhà quản lý Việt Nam đã quyết định thay đổi hoàn toàn đất nước. Nền kinh tế Việt Nam vốn một thời được xem là con hổ kế tiếp của châu Á hiện vẫn chưa “giương oai” nhưng giờ đây đã có nhiều dấu hiệu cho thấy đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất. Tất cả những chỉ số đánh giá được theo dõi thường xuyên đã thể hiện sự bình ổn và các hoạt động kinh tế đang dần dần tăng tốc.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 9 đã tăng đạt mức 51,5 điểm nhờ vào nhu cầu nước ngoài dành cho hàng hoá Việt Nam tăng mạnh cũng như sự đột phá của chỉ số việc làm. Chỉ số GDP trong quý III/2013 đã cho thấy khối dịch vụ và sản xuất đang tăng trưởng. Trong khi chỉ số tăng trưởng từ đầu năm đến nay vẫn còn ở mức 5,1% - dưới mức khuynh hướng, nhưng điều này vẫn được xem là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh quá trình cắt giảm nợ đang diễn ra và giá cả hàng hoá toàn cầu thấp dẫn đến xuất khẩu sản phẩm thô của Việt Nam đi xuống.
Lĩnh vực sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ: sản xuất quý III/2013 đã tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 6,2%. Điều này có được nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn FDI tăng 52,2% đạt 9,3 tỷ USD nhờ vào nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cũng như nhu cầu trong nước đang bắt đầu phát triển. Điều này là một tín hiệu tích cực cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại các công việc có năng suất lao động cao hơn nhằm tận dụng nguồn lực lao động tay nghề thấp của Việt Nam cũng như cân bằng hoạt động đầu tư trong nước còn yếu kém.
Dòng vốn FDI cũng được đánh giá đầy hứa hẹn cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam khi dòng vốn này giảm bớt những áp lực lên Việt Nam từ những biến động đang diễn ra trên thị trường toàn cầu.
Môi trường vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn. Mặc dù lạm phát trong tháng 9 đã tăng hơn 1% so với tháng trước nhưng dường như vẫn không phải là vấn đề chính yếu khi Chính phủ đang rất thận trong trong việc kiềm chế áp lực lạm phát. Sau đợt tăng đột xuất chi phí dịch vụ trong tháng 8 và tháng 9, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiềm chế tại Việt Nam.
Thâm hụt thương mại tích luỹ từ tháng 1 đến tháng 9 vẫn ở mức thấp 124 triệu USD. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ đạt được thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay nhờ vào sự ổn định ngoại hối. Chính phủ hiện tại cần phải thực hiện những chính sách cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vốn đang thấp hơn các nước láng giềng như Thái Lan.
Những đánh giá gần đây từ các quan chức nhà nước đã cho thấy Chính phủ đang rất cởi mở để thúc đẩy một nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Những hiệp định thương mại nội vùng và xuyên thái bình dương đang trong quá trình ký kết. Nếu như Chính phủ kiên định thực hiện những cải cách đối với đầu tư công, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có sự thay đổi kinh tế nhanh trong một vài năm tới.
Lấy đà tăng trưởng
Việt Nam đang trong quá trình hồi phục từ sau giai đoạn khó khăn khi nhu cầu thế giới và trong nước chậm lại trong nửa đầu năm 2013 góp phần làm trầm trọng thêm diễn biến của quá trình cắt giảm vay nợ trong nước. Nhưng điều tồi tệ nhất dường như đã trôi qua: nhu cầu toàn cầu đang có nhiều biểu hiện tăng trưởng nhờ vào tình hình ở Khu vực đồng tiên chung châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã được cải thiện. Điều này có nghĩa rằng nhu cầu nước ngoài dành cho các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam sẽ tăng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Trong khi đó, các điều kiện trong nước đang ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng đang tăng nhẹ so với thời kỳ trì trệ trong nửa đầu năm 2013. Đồng thời, thời kỳ lạm phát tăng đột biến cũng đã trôi qua giúp người tiêu dùng và các nhà sản xuất thoát khỏi thời kỳ khó khăn.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 9 đã phản ánh quá trình hồi phục khi có mức tăng từ 49,4 điểm trong tháng 8 lên 51,5 điểm trong tháng 9. Mặc dù vẫn còn yếu do các điều kiện trong nước nhưng chỉ số PMI trong tháng 9 đã cải thiện nhờ vào nhu cầu nước ngoài tăng. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng mạnh từ mức 49,7 điểm lên 51,3 điểm trong tháng 9.
Sau nhiều tháng giải phóng hàng dự trữ, các nhà quản lý đang tăng số lượng hàng mua. Chúng tôi hy vọng sản lượng sẽ tăng trưởng trong những tháng tới khi đơn hàng mới vượt qua hàng tồn kho.
Đáng khích lệ nhất là chỉ số việc làm đã tăng 3 tháng liên tiếp, trong đó tháng 9 đã tăng lên 53,8 điểm từ mức 52,1 điểm trong tháng 8. Mức tăng mạnh này cũng đã lan toả khắp các chỉ số khác khi các nhà sản xuất đáp lại nhu cầu đang tăng và các điều kiện nước ngoài được cải thiện. Chỉ số việc làm tăng đặc biệt khích lệ triển vọng phát triển của đất nước trong giai đoạn trung hạn khi mức tăng thu nhập sẽ tác động tích cực tới tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Hiện tại, với áp lực lạm phát vẫn còn cao và những dấu hiệu chưa chắc chắn về tương lai nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đâu đó, chúng tôi hy vọng khối công và tư nhân sẽ tiếp tục thận trọng trong chi tiêu .
Trong khi vẫn còn nằm dưới ngưỡng khuynh hướng, nền kinh tế đang dần phát triển tốt hơn trong nửa cuối năm 2013 khi những khó khăn trên toàn cầu đang dần lùi xa. Các hoạt động kinh tế trong quý III/2013 đã tăng trưởng đạt mức 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng vượt mức 5% trong quý II/2013 nhờ vào tăng trưởng mạnh ở khối sản xuất và dịch vụ.
Nông nghiệp mặc dù đã tăng so với quý II nhưng mức tăng chỉ ở 3% so với cùng kỳ năm ngoái do giá cả toàn cầu yếu và nhu cầu trong nước trì trệ. Nông nghiệp đã đóng góp 0,5% cho mức tăng trưởng chung. Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục hy vọng tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ tiếp tục được lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ. Doanh số bán lẻ mặc dù thấp hơn ngưỡng khuynh hướng nhưng cũng đang ổn định và chúng tôi kỳ vọng từ giờ đến cuối năm sẽ hồi phục dần.
Xuất khẩu tiếp tục có lợi thế khi các điều kiện bên ngoài đã được cải thiện, tăng 19,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái và 15,7% từ đầu năm đến nay. Giá trị xuất khẩu từ tháng Giêng đến tháng 9 đạt 96,4 tỷ USD. Nhu cầu trong nước còn yếu, thâm hụt thương mại chỉ còn khá ít 124 triệu USD trong tháng 9. Chúng tôi kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai sẽ đạt được trong năm nay nhờ vào thâm hụt thương mại thấp và lượng kiều hối tăng.
Điều đáng ghi nhận là lạm phát toàn phần trong tháng 9 đang chậm lại còn 6,3% từ mức 7,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng chi phí giáo dục đào tạo cũng như lương thực thực phẩm đã không đẩy mức lạm phát lên trên 7% như mọi người từng lo sợ trước đây khi Chính phủ ngày càng thận trọng hơn trong việc đảm bảo áp lực lạm pháp vẫn được kiềm chế. Trong tháng 9, lạm phát toàn phần tăng 0,7% so với tháng trước sau khi đã tính đến yếu tố điều chỉnh mùa vụ (1,1% so với tháng trước nếu không tính yếu tố điều chỉnh mùa vụ), con số này đã giảm nhẹ so với mức 0,8% trong tháng 8. Chúng tôi hy vọng nhu cầu đang tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát nhưng tốc độ lạm phát sẽ chậm lại từ mức cao của tháng 8 và 9.
Lạm phát cơ bản đang giảm từ mức 11,4% trong tháng 8 xuống còn 9,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào cơ sở lạm phát phù hợp (Chính phủ đã tăng một số loại giá cả trọng yếu trong tháng 9 năm ngoái). Kết quả là lạm phát vẫn ở nằm trong mức khả quan, chỉ tăng 0,9% so với tháng trước có yếu tố điều chỉnh mùa vụ, không thay đổi so với một tháng trước đó. Chúng tôi hy vọng lạm phát toàn phần sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới.
Việt Nam dường như đang hồi phục một cách chậm rãi. Bức tranh vĩ mô ổn định hơn. Dòng vốn FDI đang đổ vào mạnh, tăng hơn 50% so với đầu năm. Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư lâu dài, đặt biệt là từ các nhà đầu tư Đông Á. Samsung, LG Electronics và Foxcom là một vài trong số những nhà sản xuất điện tử quan trọng đang xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Các hiệp định thương mại nội vùng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) đang trong quá trình thực hiện – cả hai sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam.
Thủ tướng dự định sẽ bớt tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước để hướng tới sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng vẫn còn dưới ngưỡng khuynh hướng, nhưng đà phát triển sẽ diễn ra trong những tháng tới.
Nguồn Dân Việt