Thanh Hương Thứ Tư | 10/10/2018 08:54

Bao bì Nhựa Sài Gòn bán cổ phiếu quỹ, mở room ngoại 100%

Công ty bán cổ phiếu quỹ để tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, nhà đầu tư cũng được nới room ngoại.

Nới room ngoại lên 100%

Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP) công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị thông qua việc bán toàn bộ 536.200 cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn. Giao dịch thực hiện trong vòng 30 ngày sau khi công ty tiến hành các thủ tục báo cáo và công bố thông tin theo quy định, dự kiến từ ngày 15.10 đến 15.11.

Hiện giá cổ phiếu SPP được giao dịch quanh vùng 5.200-5.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính tại mức giá này, Công ty thu về khoảng 2,8 tỉ đồng, toàn bộ được dùng để bổ sung vốn lưu động. Công ty cho biết mục tiêu bán cổ phiếu quỹ là tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Mới đây, SPP cũng công bố việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) từ 49% lên 100% theo quyết định ngày 1.10 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty.

Vào cuối tháng 9, SPP vừa hoàn tất việc trả cổ tức và thưởng cổ phiếu tổng tỷ lệ 45%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 175 tỉ đồng lên 250 tỉ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, Công ty đạt 567 tỉ đồng doanh thu và 6,35 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm; lần lượt tăng 14% và 13% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, SPP thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 24% chỉ tiêu lợi nhuận ròng.

Bao bi Nhua Sai Gon ban co phieu quy, mo room ngoai 100%
 

Ngành nhựa thu hút nhà đầu tư ngoại

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thị trường nhựa Việt Nam đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại. Thị trường tăng trưởng 15% nên còn nhiều dư địa phát triển.

Cũng theo ông Lam, ngành nhựa đang trải qua giai đoạn nhiều thay đổi. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa đang bị các doanh nghiệp ngoại đề nghị mua lại. Sắp tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp bị mua lại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn thương thảo với các đối tác ngoại để tiến tới bán công ty.

Các doanh nghiệp nhựa trong nước đang phài đối mặt với nhiều khó khăn như, gây ô nhiễm môi trường hoặc máy móc cũ không đủ đáp ứng yêu cầu trong sản xuất.

Theo Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên &Môi trường, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xả nhiều rác thải biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong đó, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi nilon/năm.

Riêng tại khu vực đô thị, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nnhựa Việt Nam, hiện nay, ngành nhựa dù có rất nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất nhưng các cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, bên cạnh một số nhà máy sản xuất quy mô trung bình rải rác ở một vài địa phương, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chất lượng không cao, thường gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, nước và đất.

Vì vậy, cần thiết phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống, khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế.