Bank of America: Nợ công của Việt Nam rủi ro thứ 12 thế giới
Theo trang Business Insider, dựa trên giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), Bank of America vừa công bố bản đồ về tình hình nợ công thế giới. Theo đó, nợ công của Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước có nợ công thuộc hàng rủi ro nhất thế giới.
Thứ tự các quốc gia có nợ công mang rủi ro lớn hơn Việt Nam, theo thứ tự từ cao đến thấp lần lượt là: Venezuela, Hy Lạp, Ukraine, Pakistan, Ai Cập, Cyprus, Nga, Brazil, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi. Với chi phí CDS đứng đầu, Venezuela hiện là nước có rủi ro nợ công cao nhất thế giới.
Bản đồ thể hiện mức độ rủi ro nợ công của các nước - Ảnh chụp màn hình trang Business Insider |
Các nước Indonesia, Colombia, Ấn Độ, Morocco, Bồ Đào Nha, Malaysia, Mexico và Thái Lan cũng có mức độ rủi ro của nợ công khá cao khi lần lượt đứng sau Việt Nam. Rủi ro nợ công của Trung Quốc đứng thứ 23 thế giới, cao hơn của Philippines.
Danh sách cho thấy nợ của các nước Tây Ban Nha và Ireland thì ít rủi ro hơn là của Bồ Đào Nha và Ý. Kinh tế Tây Ban Nha đang phục hồi một chút sau khi trải qua đợt khủng hoảng thất nghiệp và khó khăn trong thị trường nhà đất.
Ngược lại, các quốc gia phát triển có mức rủi ro nợ công thấp nhất. Đứng đầu trong danh sách đó là Đức. Các nước châu Âu khác như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Anh, Pháp cũng có độ rủi ro nợ công thuộc nhóm thấp nhất.
Hai đại diện châu Á có mặt trong danh sách quốc gia có rủi ro nợ công thấp là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, hay hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) có nét giống với hợp đồng bảo hiểm vì đây là một thỏa thuận hoán đổi rủi ro.
Khi tham gia CDS, người mua CDS trả cho người bán một khoản phí (CDS spread) để bảo hiểm cho rủi ro nợ tín dụng xảy ra khi đơn vị phát hành trái phiếu không trả được nợ. Giá của CDS tỷ lệ nghịch với độ tín nhiệm của trái phiếu. Trái phiếu có rủi ro càng thấp, độ tín nhiệm càng cao thì giá của CDS càng nhỏ và ngược lại.
Nguồn Thanh niên