Thứ Tư | 27/07/2016 09:00

Bánh tráng Củ Chi tìm đường đi Tây

Hiện nay, giá xuất khẩu bánh tráng đang ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, có loại từ 30.000-40.000 đồng tùy thương hiệu.

Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM là một làng nghề làm bánh tráng từ nhiều đời nay. Những chiếc bánh tráng xuất xứ từ làng nghề này đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới. Cho đến nay, các công ty xuất khẩu bánh tráng tại Củ Chi đã xuất sang hơn 20 nước. Thành công này có được sau khi một số công ty như Phong Phú, Duy Anh... đầu tư máy móc chế biến thay vì làm thủ công như trước. Qua đó, mỗi giờ có thể sản xuất được từ 500-600 kg bánh, năng suất được tăng gấp 6-10 lần. Đặc biệt, chất lượng bánh cũng đồng nhất nên đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần giúp cho bánh tráng của Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới.

Theo ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh, thời gian đầu, bánh tráng chủ yếu xuất sang những thị trường có cộng đồng người Việt sinh sống. Với sự quảng bá văn hóa và ẩm thực của Chính phủ nên bánh tráng Việt Nam ngày càng được nhiều người dân bản xứ yêu thích. Ông Nguyễn Nho Cương, chủ doanh nghiệp tư nhân Phong Phú, phấn khởi với con số xuất khẩu rất lạc quan. “Lúc đầu, tôi cũng không nghĩ mình xuất được nhiều bánh tráng đến vậy. Nhưng do người bản xứ các nước thích món chả giò của Việt Nam nên đã thúc đẩy việc tiêu thụ bánh tráng. Đáng chú ý là họ yêu cầu bánh tráng có nhiều hương vị và chủng loại nên doanh nghiệp cũng phải nỗ lực phát triển sản phẩm mới”, ông Cương cho biết.

Mỗi tháng, các doanh nghiệp như Duy Anh xuất khẩu khoảng 250-300 tấn bánh tráng. “Bởi đây là sản phẩm truyền thống đều có chất lượng như nhau nên chủ yếu cạnh tranh về giá”, ông Cương cho biết.

Trung bình mỗi ngày các công ty lớn sử dụng khoảng 10 tấn gạo để làm nguyên liệu sản xuất bánh tráng, những cơ sở nhỏ sản xuất khoảng 1-2 tấn gạo. “Cơ sở của tôi mỗi ngày sản xuất được khoảng 1,8-2 tấn bánh tráng, những tháng cao điểm phải tăng cường sản xuất mới chạy đủ đơn hàng”, anh Ngọc Hùng, chủ một cơ sở sản xuất bánh gia công cho biết.

Chia sẻ với NCĐT về việc cạnh tranh tại thị trường thế giới, ông Cương chia sẻ: “Việc một doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh trên thị trường lớn không dễ. Bởi vì, bánh tráng Việt Nam hiện đang cạnh tranh với Thái Lan, Campuchia... Trước mắt, chúng tôi chủ yếu gia công cho các công ty phân phối nước ngoài. Mặc dù doanh thu cao, được nhiều người biết đến nhưng chúng tôi cũng chưa xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình”.

“Các công ty nước ngoài nhận báo giá, lựa chọn giá tốt nhất và gửi bao bì, cũng như quy cách sản phẩm yêu cầu chúng tôi gia công”, ông Cương giải thích. Do gần Tây Ninh, nơi có nguồn nguyên liệu phong phú, thuận tiện vận chuyển nên các doanh nghiệp sản xuất bánh tráng ở Củ Chi tiết giảm được chi phí.

Hiện nay, giá xuất khẩu đang ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, có loại từ 30.000-40.000 đồng tùy thương hiệu. Tại doanh nghiệp Phong Phú, doanh thu của riêng mặt hàng bánh tráng đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu từ các sản phẩm được sản xuất từ gạo khác như bún khô, bánh phở, hủ tiếu...

“Hầu hết các doanh nghiệp cũng có giá xuất khẩu khá tương đồng. Trong khi những doanh nghiệp khác đầu tư mạnh vào những sản phẩm khác, chúng tôi vẫn tập trung sản xuất chính mặc hàng bánh tráng, lợi nhuận từ sản phẩm này cũng mang lại hơn 10% doanh thu. Cứ mỗi 800 kg bánh thành phẩm, chúng tôi thu được khoảng 300 kg rìa bánh tráng được bán ra từ khoảng 5.000-8.000 đồng mỗi kg để bán bánh tráng trộn”, ông Cương chia sẻ.

Banh trang Cu Chi tim duong di Tay
Củ Chi đã có thương hiệu nổi tiếng về sản xuất bánh tráng. Ảnh: Sơn Phạm

Nâng cao giá trị của hạt gạo bằng cách đa dạng hóa sản phẩm như bún gạo, bún khô, miếng phở, bột gạo… là nỗ lực của các doanh nghiệp Việt đã được thế giới đón nhận. Ước tính, trong những năm qua, doanh thu xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất từ gạo đã tăng từ 7-10%, chủ yếu từ việc xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật…

Theo Phó giáo sư-Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam có thể sản xuất rất nhiều sản phẩm từ gạo, hiện nay chỉ mới phát triển ở một số loại gạo như thơm, 5% tấm… mà vẫn còn bỏ qua một số giá trị khác từ hạt gạo. Được biết, mỗi năm sử dụng đến 10.000 tấn gạo để chế biến các sản phẩm ăn liền phục vụ cho trong nước và xuất khẩu. Chế biến các sản phẩm từ gạo có thể tăng thêm giá trị cho hạt gạo gấp 2-4 lần so với gạo xuất khẩu thông thường như hiện nay.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật cũng tư vấn doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, hướng đến việc xuất khẩu chế phẩm từ gạo như tinh bột hay bánh quy bột, các sản phẩm từ gạo khác để nâng giá trị của sản phẩm gạo xuất khẩu...

 Do đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi như thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến những dòng sản phẩm này.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tháng 6.2016, chỉ xuất khẩu 380.000 tấn gạo, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2015. Hai tháng trước đó, lượng gạo xuất khẩu đã sụt giảm. Tính cả quý II/2016, Việt Nam xuất khẩu được 1,232 triệu tấn gạo, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2015. Theo lý giải của các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo gặp khó là do áp lực cạnh tranh từ Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ… Đặc biệt, việc Thái Lan xả gạo tồn kho giá rẻ cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phân khúc gạo thường của Việt Nam. Do đó, những sản phẩm chế biến từ gạo đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Nếu thực sự được quan tâm đúng mức về chất lượng và đầu tư khoa học công nghệ, những mặt hàng như bánh tráng hứa hẹn sẽ có thị trường xuất khẩu lớn hơn.

Đức Tài