Bảng Anh rơi thẳng đứng do lỗi giao dịch
Có thời điểm, bảng Anh chạm 1,1841 USD/GBP, theo số liệu của Bloomberg, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 3/1985. Sau đó, đà giảm của bảng Anh nhanh chóng chững lại và đứng ở 1,2472 USD/GBP lúc 9h26 giờ địa phương tại Tokyo.
Bảng Anh cũng giảm 6,5% so với euro và sau đó thu hẹp mức giảm xuống 1,1% ở mức 89,37 xu bảng Anh đổi 1 euro.
Bảng Anh giảm đột biến khiến giới đầu tư đặt câu hỏi liệu các lệnh giao dịch tự động cùng tình trạng thanh khoản yếu đầu phiên giao dịch tại châu Á có phải là nguyên nhân, trong khi một số khác thì cho rằng do lỗi của con người hay còn được gọi là "ngón tay mập" (fat finger) - nút bấm trên bàn phím máy tính quá nhỏ so với ngón tay, gây ra việc bấm thêm hoặc nhầm số xảy ra trong thao tác gõ lệnh.
Bảng Anh giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2016. |
Một số nhà đầu tư nhận định thị trường cũng chịu tác động khi Financial Times dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết Anh sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi rời khỏi EU.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải cứng rắn khi đàm phán với Anh để tránh trường hợp phản ứng dây chuyền và bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của khối thị trường chung.
Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường tại Think Markets, nhận định, biến động của bảng Anh thật "điên rồ", nhưng động thái này cũng cho thấy đồng tiền này có thể xuống thấp đến mức nào.
Rời khỏi EU hiện đang là chủ đề chính trong hội thảo thường niên của Đảng Bảo thủ đang nắm quyền tại Anh khi Thủ tướng Anh Theresa May đề cập đến thuật ngữ "Brexit cứng" - sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường chung EU, do vậy, chính phủ Anh có thể kiểm soát tình trạng nhập cư.
Bảng Anh đã giảm tổng cộng 16% kể từ ngày sự kiện Brexit xảy ra, trở thành đồng tiền tệ nhất trong số 31 đồng tiền chủ chốt trên thế giới được Bloomberg theo dõi. Nhiều ngân hàng, kể cả Goldman Sachs và AllianceBernstein đều cảnh báo sẽ có nhiều khó khăn đón chờ đồng tiền này.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg