Thứ Ba | 14/08/2012 20:43

Bán xi măng Cẩm Phả cho Vicem, Vinaconex vẫn chưa thoát nợ

Vicem đưa ra phương án mua cổ phần của Xi măng Cẩm Phả với giá 10.000 đồng/cp, nhưng chỉ trả 50 tỷ đồng, số còn lại trả chậm trong vòng 9 năm.
Tổng Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) rơi vào tình trạng khó khăn tài chính trong mấy năm vừa qua do đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy Xi măng Cẩm Phả.

Vinaconex vẫn còn gần 6.000 tỷ đồng nợ
Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2011 của công ty mẹ Vinaconex có đoạn viết, tại ngày 31/12/2011, mặc dù công nợ ngắn hạn của Tổng công ty không vượt quá tài sản ngắn hạn, nhưng có một số khoản phải thu ngắn hạn về gốc vay và lãi vay từ CTCP Xi măng Cẩm Phả mà Tổng công ty đang làm việc với Xi măng Cẩm Phả để gia hạn nợ sau năm 2012. Theo đó, nếu không tính các khoản phải thu này, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty sẽ thấp hơn công nợ ngắn hạn hơn 1.250 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đang bị âm. Các vấn đề này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.

Tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ phát hành tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng đủ để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả.”

6 tháng đầu năm nay, Vinaconex đã chi gần 2.400 tỷ đồng trả nợ gốc, trong đó, có khoản tiền 2.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong quý II/2012; 502 tỷ đồng chi phí lãi vay, trong khi tổng vay ngắn/dài hạn trong kỳ mà Tổng công ty nhận được là 392 tỷ đồng.

Vinaconex vẫn còn hơn 1.112 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 750 tỷ đồng phải trả phải nộp ngắn hạn, 3.936 tỷ đồng vay nợ dài hạn.

Vinaconex lên kế hoạch bán Xi măng Cẩm Phả

Liên tục 2 năm, Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex đã trở nên xấu đi do xuất hiện những khoản trích lập dự phòng đến từ CTCP Xi măng Cẩm Phả. Đặc biệt, trong quý I/2012, Tổng công ty phải trích lập tới hơn 1.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro đầu tư tài chính dài hạn, mà nguyên nhân cũng đến từ Xi măng Cẩm Phả.

Nếu thoái được vốn đầu tư vào Xi măng Cẩm Phả, Vinaconex vừa có thêm tiền về, vừa giúp BCTC hợp nhất của Tổng công ty tránh được khoản trích lập dự phòng lớn. Đối tác gần nhất mà thị trường biết đến là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).

Trong phương án gần nhất mà Vicem đưa ra, chỉ có một yếu tố đạt được là thoái 51% vốn điều lệ Xi măng Cẩm Phả, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng mức tiền là 1.020 tỷ đồng. Vấn đề là Vicem không có khả năng để thanh toán ngay toàn bộ số tiền này cho Vinaconex. Phương án thanh toán được Vicem đưa ra là trả ngay kỳ đầu 50 tỷ đồng, số còn lại được trả chậm trong vòng 9 năm sau đó, với lãi suất 2%/năm.

Ngoài ra, với số tiền 1.934 tỷ đồng mà trước kia Vinaconex đã vay giúp Xi măng Cẩm Phả,  cũng được Vicem đưa phương án trả chậm 10 kỳ, tính từ năm 2019 đến năm 2028, với lãi suất 2%/năm. Lãi phát sinh trong cả quá trình từ nay đến 2019 sẽ được trả đều cho giai đoạn 2019 - 2028.

Với phương án này, Vinaconex sẽ trở thành chủ nợ của Vicem và Xi măng Cẩm Phả. Giá bán Xi măng Cẩm Phả sau khi đã chiết khấu mức lãi suất 13,5%/năm sẽ còn 293 đồng/cổ phiếu, và Vinaconex phải bù lỗ chi phí cơ hội cho khoản vay của Xi măng Cẩm Phả  1.575 tỷ đồng. Bù lại, phía Vicem đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ Xi măng Cẩm Phả về vấn đề đầu ra.

Với phương án nêu trên, nếu tiếp tục phương án hợp tác với Vicem, Vinaconex gần như chẳng được lợi ngoài việc làm đẹp báo cáo tài chính (tránh rủi ro hợp nhất). Tuy nhiên, Vinaconex sẽ mất đi quyền làm chủ Xi măng Cẩm Phả, trong khi chưa biết Vicem sẽ hỗ trợ Xi măng Cẩm Phả bán hàng đến đâu.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện