Năm 2013, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 23% so với năm 2012.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đạt khoảng 18,7%, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2012.
Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, SCIC đã thực hiện đánh giá và phân loại các doanh nghiệp tiếp nhận. Tính đến 31/12/2013, SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với giá trị sổ sách.
Tự nhận định về hoạt động quản lý vốn, SCIC cho rằng, đa số các doanh nghiệp sau khi chuyển giao về Tổng công ty đều đạt kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh, như: CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Dược Hậu Giang; CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, CTCP Viễn thông FPT....
|
SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp |
Danh mục đầu tư của Tổng công ty tại thời điểm 31/12/2013 có 369 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ kế toán trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường trên 74.000 tỷ đồng. Qua kết quả này, SCIC cho rằng, hoạt động đầu tư trong thời gian vừa qua không những bảo toàn vốn nhà nước được giao mà còn tăng trưởng và đạt hiệu quả khá cao.
Trong đề án tái cơ cấu SCIC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 12/2013, SCIC sẽ đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Vinamilk, Dược Hậu Giang và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam đang mang lại khoản cổ tức khổng lồ và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp.
Trong đó có những đơn vị được coi là "hàng tốt" như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...
Trong năm vừa qua, SCIC đem cả chục ngàn tỷ từ nguồn thu cổ tức, bán vốn của các doanh nghiệp để gửi ngân hàng trong khi các doanh nghiệp đang đói vốn, đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp- Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định SCIC gửi tiền ngân hàng là tỉnh táo.
Trước đó, phân tích kết quả kinh doanh năm 2012 của SCIC trên báo Tuổi trẻ, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng với những số liệu công bố, SCIC đã đạt được những thuận lợi nhất định.
Tuy nhiên, muốn đánh giá có thật hiệu quả không, phải so với mục tiêu đầu năm đặt ra và đặc biệt là phải phân tích kỹ hơn, xem công lao do đâu, có phải của SCIC không hay của các công ty do SCIC được chỉ định làm đại diện vốn nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, mức lợi nhuận trong năm 2012 chưa nói lên được sự năng động của SCIC khi 96% tiền lãi có được từ việc chia cổ tức và tiền lãi gửi ngân hàng.
Nếu xét một lực lượng hùng hậu doanh nghiệp mà SCIC đang tiếp quản thì số lãi đem về chủ yếu từ một vài công ty làm ăn được, điều này có nghĩa rất nhiều khoản đầu tư mà SCIC đang nắm giữ chưa thể sinh lời, thậm chí là lỗ đậm.