Bàn về các cơ chế hỗ trợ phát triển vùng Tây Nguyên
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh Bộ nhận thấy việc đảm bảo tính khả thi của các cơ chế, chính sách cần được chú trọng, do đó, đã xây dựng dự thảo theo hướng hỗ trợ đặc thù các tiềm năng cũng như các vấn đề của Tây Nguyên hiện nay.
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Quyết định, tại hội thảo, các địa phương cần tập trung vào thảo luận phạm vi, đối tượng, mục tiêu, giải pháp cũng như có những ý kiến đề xuất mới. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, tham gia, Bộ sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới.
Theo Dự thảo Quyết định, phạm vi vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực; hộ nghèo và cận nghèo đang cư trú tại địa phương.
Lĩnh vực khuyến khích bao gồm đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhỏ công suất dưới 30KW, đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ mới phù hợp với địa phương... Việc phát triển các lĩnh vực trên cần phải tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Đối với một số cơ chế, chính sách đặc thù, dự thảo Quyết định nêu rõ cộng đồng, tổ hợp tác, gia đình và cá nhân đầu tư, phát triển năng lượng được hưởng các chính sách ưu đãi về vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hoặc được nhận tối đa 50% lãi suất tiền vay nhưng không quá 6% tính trên số tiền vay thực tế giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư; thời gian hỗ trợ tối không quá 7 năm tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn; thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất tiền vay chậm nhất ngày 31/12/2020...
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đóng góp của các địa phương đề nghị nghiên cứu và bổ sung phát triển vùng cây nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến như giấy, càphê, cao su, hạt điều và mở rộng các vùng sản xuất công nghệ cao.
Phó Chủ tich Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là cơ chế đặc thù đối với các tỉnh Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cần phát triển ngành công nghiệp khoáng sản, phát triển cây dược liệu và vùng sản xuất công nghiệp đa dạng sinh học.
Theo đại diện Vụ Công nghiệp Địa phương, Bộ Công Thương, cần nâng mức hỗ trợ về lãi suất tiền vay cũng như thời gian cho vay, nếu không sẽ không khuyến khích các hộ tham gia.
Đại diện tỉnh Đắk Nông cho rằng việc hỗ trợ người nghèo để nâng cao đời sống, với giá trị cụ thể như trong Quyết định thì khả năng trượt giá là rất lớn. Do đó, cần quy ra mức hỗ trợ tương ứng với mức giá lương tối thiểu. Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện hàng năm, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho địa phương cần cố gắng bổ trí đủ vốn, không cần ghi cụ thể là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng đến công tác thu hút đầu tư đến các tỉnh Tây Nguyên. Do đó, đại diện tỉnh Đắk Nông đề nghị Trung ương hỗ trợ 100% cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp và khu công nghiệp; đồng thời, cần có những chính sách cụ thể liên quan đến kinh tế đối ngoại đối với các tỉnh Tây Nguyên.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị phạm vi áp dụng cần bổ sung thêm một số địa phương lân cận; đối tượng áp dụng cần nêu rõ, cụ thể hơn.
Nguồn Vietnam Plus