Thứ Hai | 12/09/2016 15:49

Bán trà tại châu Á, Starbucks nuôi tham vọng kiếm hàng tỷ USD

Trong hôm 12/9, chuỗi cà phê Starbucks đã tuyên bố sẽ triển khai thương hiệu trà cao cấp Teavana của hãng tại 6.200 cửa hàng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Teavana đã có mặt ở Trung Quốc từ cuối tháng 8, và tại Hàn Quốc với Indonesia hồi đầu tháng 9. Đến giữa tháng này, Teavana sẽ có mặt tại 14 nước châu Á – Thái Bình Dương mà Starbucks đang hiện diện. Riêng tại Nhật Bản, Teavana sẽ có mặt vào tháng 10, còn với Ấn Độ thì phải đợi tới cuối năm.

Với động thái này, Starbucks đang hy vọng sẽ tăng tổng doanh thu từ các sản phẩm trà lên đến 3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Tại Trung Quốc, Starbucks đang mở rộng với tốc độ 500 cửa hàng mới mỡi năm, với mục tiêu đạt mức 3.400 cửa hàng trong năm 2019. Chỉ riêng thị trường trà Trung Quốc đã có trị giá 9,5 tỷ USD, gần gấp 10 lần thị trường cà phê của nước này. Chiến lược đẩy mạnh trà Teavana cũng phù hợp với nhu cầu theo đuổi lối sống khỏe mạnh hơn của người tiêu dùng Trung Quốc.

Được Starbucks mua lại hồi tháng 12/2012, thương hiệu trà Teavana cho tới nay đã mang về kết quả kinh doanh khá tốt. Doanh thu từ các sản phẩm trà của Starbucks đã tăng 12% trong năm ngoái, trong đó riêng sản phẩm trà lạnh (iced tea) tăng đến 29%.

Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường châu Á vốn kỹ tính về trà, Starbucks sẽ cần phải chịu khó sáng tạo nếu muốn giành sự chú ý của khách hàng. Giám đốc sáng tạo của Starbucks tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Vera Wang cho biết: “Với văn hóa trà lâu đời tại đây, chúng tôi không thể bán những sản phẩm thông thường, bằng không thì sẽ không mang lại được cho khách hàng cảm giác cao cấp và khác biệt”.

Ban tra tai chau A, Starbucks nuoi tham vong kiem hang ty USD
Các sản phẩm Teavana cho thị trường châu Á. Ảnh: Starbucks

Tại châu Á, các sản phẩm trà Teavana sẽ bao gồm 4 hương vị: trà đen với hương bưởi đỏ và mật ong; trà xanh với nha đam và hương lê gai; bột trà xanh (matcha) pha cà phê espresso; trà atisô đỏ (hibiscus) trộn hạt lựu. Đây là những công thức phức tạp hơn so với các sản phẩm thông dụng ở Mỹ như trà đen hương xoài hay trà xanh hương đào. Ngoài việc bán trà ly tại cửa hàng, Starbucks cũng sẽ cho khách hàng mua các gói trà Teavana về nhà tự pha.

Tại Trung Quốc, thị trường trà đang tăng trưởng 6% / năm, ngang với thị trường cà phê. Tuy nhiên, hồi năm 2010 thị trường này từng có lúc tăng trưởng tới 18%. Vì thế, cũng có người đặt câu hỏi liệu Starbucks có hơi quá chậm chân không. Ông Matthew Crabbe, giám đốc nghiên cứu của Mintel tại châu Á – Thái Bình Dương, nhận xét: “Dĩ nhiên thị trường trà tại  châu Á là một thị trường rất trưởng thành: nó đã có mặt tại đây hàng ngàn năm rồi. Cách đây mấy năm trước, chúng ta đã thấy cơn sốt trà sữa trong giới thiếu niên châu Á bùng nổ mạnh mẽ như thế nào. Giờ đây, khi họ lớn lên, những thanh niên ấy sẽ muốn thứ gì đó cao cấp hơn, và đấy là nơi mà Teavana có thể tìm được chỗ đứng”.

Tuấn Minh

Nguồn Bloomberg / Inside Retail