Bản tin thị trường cà phê ngày 3/12
Hôm nay 3/12, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, nối tiếp phiên hôm qua, tiếp tục tăng 200.000 đồng/tấn lên 33,6-33,9 triệu đồng/tấn, ghi nhận phiên thứ 2 tăng liên tiếp.
Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay tăng 9 USD từ 1.550 USD/tấn hôm qua lên 1.559 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường ICE Futures Europe và giá Arabica trên sàn Ice New York đồng loạt tăng.
Thị trường London: Trên sàn ICE Futures Europe, nối tiếp phiên hôm qua, giá cà phê Robusta tiếp tục tăng 5-9 USD/tấn, ghi nhận phiên thứ 2 tăng liên tiếp.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 1/2016 giá tăng 9 USD/tấn lên 1.499 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 3/2016 giá tăng 5 USD/tấn lên 1.526 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 5/2016 giá tăng 5 USD/tấn lên 1.551 USD/tấn và Kỳ hạn giao tháng 7/2016 giá tăng 5 USD/tấn lên 1.573 USD/tấn.
Thị trường New York: Cùng diễn biến với sàn London, giá cà phê Arabica các kỳ hạn trên sàn ICE New York tăng 0,55-0,6 cent/pound.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 12/2015 giá tăng 0,65 cent/pound lên 117,8 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 3/2016 giá tăng 0,55 cent/pound lên 120,45 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 5/2016 giá tăng 0,6 cent/pound lên 122,65 cent/pound; và Kỳ hạn giao tháng 7/2016 giá tăng 0,6 USD/tấn lên 124,75 USD/tấn.
Giá cà phê tăng chủ yếu do nguồn cung thắt chặt. Theo Volcafe, xuất khẩu cà phê của Brazil tăng mạnh, chủ yếu do real Brazil suy yếu so với USD, đã làm giảm nguồn cung cà phê Arabica.
Volcafe cũng nâng dự báo thiếu hụt cà phê Arabica Brazil vụ trước thêm 1,4 triệu bao lên 7 triệu bao và thêm 2,2 triệu bao lên 5 triệu bao trong niên vụ 2015-2016.
Sản lượng cà phê Brazil (cả Arabica và Robusta) giảm 8 triệu bao xuống 49,2 triệu bao trong năm 2014 và giảm thêm 900.000 bao trong năm nay, theo Volcafe.
Volcafe hạ ước tính thiếu hụt cà phê toàn cầu niên vụ 2015-2016 xuống 5,1 triệu bao (giảm 1,3 triệu bao) và niên vụ 2015-2016 xuống 2,3 triệu bao (giảm 1,2 triệu bao).
Triển vọng sản lượng cà phê Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới - cũng bị hạ 300.000 bao xuống 29,7 triệu bao do thời tiết khô hạn.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, theo thống kê thì đến nay Việt Nam có khoảng 650.000 ha cà phê, được trồng ở 22 tỉnh, thành phố, bao gồm 5 vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (sáu tỉnh), Nam Trung Bộ (ba tỉnh), Bắc Trung Bộ (bốn tỉnh) và trung du miền núi phía Bắc (ba tỉnh).
Nhưng điều điều đáng lo ngại là trong 650.000 ha cà phê hiện có không ít diện tích cà phê đã già cỗi, trong đó, khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000 ha 15-20 năm tuổi (chiếm 25%). Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong năm năm tới khoảng 140.000-160.000 ha. Nếu không “thay máu” thì không chỉ sản lượng cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng do năng suất giảm, chất lượng hạt cà phê giảm, tác động lớn đến sức cạnh tranh xuất khẩu.
Nhật Trường