Bản tin thị trường cà phê ngày 2/12
Hôm nay 2/12, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, trái với phiên hôm qua, đảo chiều tăng 200.000 đồng/tấn lên 33,4-33,7 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay giảm 12 USD từ 1.538 USD/tấn hôm qua lên 1.550 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường ICE Futures Europe và giá Arabica trên sàn Ice New York đồng loạt tăng.
Thị trường London: Trên sàn ICE Futures Europe, trái với phiên hôm qua, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng 12-14 USD/tấn, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 11/2015 giá không đổi ở 1.481 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 1/2016 giá tăng 12 USD/tấn lên 1.490 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 3/2016 giá tăng 14 USD/tấn lên 1.521 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 5/2016 giá tăng 14 USD/tấn lên 1.546 USD/tấn.
Thị trường New York: Cùng diễn biến với sàn London, giá cà phê Arabica các kỳ hạn trên sàn ICE New York đồng loạt tăng 0,25 cent/pound.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 12/2015 giá tăng 0,25 cent/pound lên 117,15 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 3/2016 giá tăng 0,25 cent/pound lên 119,9 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 5/2016 giá tăng 0,25 cent/pound lên 122,05 cent/pound; và Kỳ hạn giao tháng 7/2016 giá tăng 0,25 USD/tấn lên 124,15 USD/tấn.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn số liệu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, niên vụ cà phê 2015-2016, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạt khoảng 440.000 tấn cà phê nhân, giảm trên 14.000 tấn so với niên vụ 2014-2015. Như vậy, liên tiếp trong 2 năm liền, tỉnh Đắk Lắk đều giảm năng suất, sản lượng cà phê và không đạt kế hoạch.
Nguyên nhân giảm năng suất, sản lượng do nắng hạn kéo dài khiến trên 47.835 ha cà phê thiếu nước tưới, khô cành, rụng quả. Thậm chí, nhiều địa bàn trọng điểm cà phê có hàng nghìn hécta cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh thiếu nước tưới bị chết khô. Mặt khác, diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần tái canh trên địa bàn chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
Theo số liệu của chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 11 của Đảo Sumatra đạt 239.197 bao, giảm 30.765 bao, hay 11,4% so với tháng 11/2014. Như vậy, xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu niên vụ 2015-2016 (tháng 10 - tháng 9) đạt 675.129 bao, giảm 50.410 bao, tương đương 6,95%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê của Sumatra giảm chủ yếu do hiện tượng kháng giá do giá tham chiếu trên sàn London ở mức thấp. Tuy nhiên, với diễn biến của hiện tượng El Nino và lượng cà phê lưu kho vụ cũ đến tận quý II/2016 và trước khi thu hoạch vụ mới, thị trường dự đoán sản lượng cà phê của Đảo Sumatra sẽ giảm và xuất khẩu cà phê từ Đảo này niên vụ tháng 10/2015-tháng 9/2016 cũng giảm sau khi đạt 4.696.081 bao trong niên vụ 2014-2015, tăng 1.106.841 bao, hay 30,84% so với niên vụ 2013-2014.
Về dài hạn, nguồn cung cà phê của Đảo Sumatra giảm trong quý II và quý III/2016 không phải là vấn đề đáng lo ngại khi lượng thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng lượng cà phê lưu kho vụ cũ khá lớn của Việt Nam cùng với sản lượng cà phê vụ mới dự đoán đạt 27 triệu bao.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 10 chỉ đạt 7,75 triệu bao, giảm 3,6% so với tháng 9, chủ yếu do xuất khẩu cà phê Robusta giảm 11,7% dù xuất khẩu Arabica tăng 1,9%.
Nhật Trường