Chỉ số trên TTCK Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất từ ngày 6/2 đến nay. Ảnh: Quý Hòa

 
Như Phúc Thứ Tư | 04/07/2018 09:08

Bán tháo hàng loạt, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất châu Á

Chứng khoán Việt Nam giảm hơn 4% trong ngày 3.7, mức giảm mạnh nhất châu Á và là phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.

Trong phiên giao dịch ngày 3.7, VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%) về còn 906,01 điểm, VN30-Index giảm 38,15 điểm (-4,1%) về còn 891,97 điểm; HNX-Index và HNX30-Index giảm tương ứng 3.85% và 3.63%. Lực bán giá thấp xuất hiện ngay đầu phiên và càng gia tăng mạnh về cuối phiên đã khiến các chỉ số trên TTCK Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất từ ngày 6/2 đến nay.

10 cổ phiếu bao gồm VHM, VIC, GAS, VCB, TCB, CTG, BID, PLX, HPG, VPB, VJC đã lấy mất 29 điểm của VN-Index, trong đó VHM, VIC, TCB, CTG, BID cùng giảm sàn. Nhóm VN30 chỉ có SBT tăng 1,7% và 29 mã giảm trong đó HSG, STB, BID, CTG, VIC giảm sàn. Thị trường chịu áp lực rất lớn từ nhóm vốn hóa trụ cột và nhóm ngân hàng; bên cạnh đó nhiều mã ở nhóm chứng khóan, bất động sản cũng chịu áp lực bán giá thấp đến giảm sàn như HCM, VCI, LDG, DXG, PDR, HBC…

Ban thao hang loat, chung khoan Viet Nam giam manh nhat chau A
Mức giảm của một số cổ phiếu trong chỉ số VN-Index. Nguồn: VnDirect

Thanh khoản tăng lên 10,8% trên HOSE, ghi nhận gần 5.200 tỷ đồng ở cả 2 sàn. Do Nhà đầu tư nước ngoài  bán ròng giá trị lớn ở VIC (-223.5 tỷ đồng) đã đẩy giá trị bán ròng của khối ngoại lên gần 360 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Ngoài VIC, thì CTG, HPG, BID là các mã bị bán ròng trên 40 tỷ đồng trong khi phía mua ròng có VCB với giá trị đáng kể 69 tỷ đồng.

Ban thao hang loat, chung khoan Viet Nam giam manh nhat chau A
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chưa kịp phản ứng với sự hồi phục của Thị trường chứng khoán Trung Quốc khi chỉ số Shanghai Index hồi phục tăng điểm ngay trong phiên hôm nay sau khi giảm sâu trong phiên sáng.

Hoạt động bán tháo diễn ra do áp lực tâm lý và nhiều nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn. Tuy nhiên, lực cầu có gia tăng nhanh từ đầu phiên chiều giúp GTGD cải thiện cho thấy nhiều nhà đầu tư khác cũng bình tĩnh và hướng đến yếu tố cơ bản. Đóng cửa phiên hôm nay, P/E của VN-Index và VN30-Index ghi nhận ở mức 17 lần và 14.6 lần. Xét trên bình diện châu Á, VN-Index là chỉ số giảm mạnh nhất châu lục.

Theo giới phân tích, điều chi phối tâm lý thị trường trong thời gian qua là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tỷ giá USD/VND liên tục tăng. Ngoài ra, thị trường còn lo ngại về chu kỳ kinh tế 10 năm, dù điều này đã được các chuyên gia trấn an. 

Trên các diễn đàn chứng khoán, đa số nhà đầu tư đều thể hiện quan điểm thận trong với thị trường hiện nay. Một nhà đầu tư nhận định thị trường có những nhóm cổ phiếu tốt, tích lũy đủ lâu và có thế tăng trưởng, nhưng khi thị trường xấu như hiện nay thì các cổ phiếu này cũng khó có thể đi lên, và cũng chỉ có thể lên khi chỉ số ngừng rơi, đi ngang.

Trong tình thế hiện tại, các yếu tố kỹ thuật đều không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả những tin tốt cũng ít có tác dụng. Nhà đầu tư này khuyên ai đang giữ tiền thì tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường. Những ai đang còn nắm giữ cổ phiếu thì cần bình tĩnh, suy xét lại tài khoản, cổ phiếu để quyết định định xem có nên bán ra cổ phiếu hay không.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng

Trước đà giảm mạnh của chứng khoán Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư. Chia sẻ với báo giới, ông cho biết: "Tôi rất mong nhà đầu tư trong và ngoài nước có cách nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Không thể phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như đã nêu trên, nhưng cần nhìn nhận mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam và TTCK Việt Nam nói riêng.

Ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, ông Dũng tin tưởng TTCK Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển, chẳng hạn như: GDP tăng 7,08% trong 6 tháng, cao nhất kể từ năm 2011. Tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tính đến ngày 8/5/2018 đã có 667 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 1/2018, trong đó hơn 86% doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có rút trong những ngày gần đây, tuy nhiên, theo ông Dũng nếu nhìn thì đầu năm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội.

Về động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng cũng mong các nhà đầu tư bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến TTCK. Ông tin rằng các NĐTNN vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện NĐTNN rút hết vốn; trong khi chỉ số tổng giá trị chứng khoán nắm giữ của khối ngoại trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khá an toàn.

Những nhận định mà NCĐT cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo.

Nguồn SSI Retail Research, Dân trí và các nguồn khác