Tài Đức Thứ Năm | 20/07/2017 08:00

Bản quyền âm nhạc: Ai thu, thu ai?

Với quy định kinh doanh hiện hành mỗi năm trung bình một cửa hàng karaoke đã trả 20 triệu đồng tiền tác quyền tác giả âm nhạc.

Tranh cãi liên quan vấn đề bản quyền âm nhạc tiếp tục dấy lên trước quy định tin mỗi bài hát trong phòng karaoke bị thu phí 2.000 đồng.

Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết, từ ngày 1.7, RIAV sẽ thu phí quyền liên quan đối với các cơ sở kinh doanh karaoke. Mức thu được ấn định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy/năm. Mức giá này là thu cho chủ sở hữu bản ghi âm, trong đó không có tác quyền của tác giả bài hát, vì phần này Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu riêng từ nhiều năm qua.

Trước đó, với quy định kinh doanh hiện hành mỗi năm trung bình một cửa hàng karaoke đã trả 20 triệu đồng tiền tác quyền tác giả âm nhạc. Và việc thu phí theo quy định bắt buộc phải trả thêm phí thu âm thu hình. “Với những đầu thu chứa hàng ngàn bài hát, chỉ cần 3 đầu máy thì tiền tác quyền sẽ chi đến 40 triệu đồng/năm. Trong đó, có những bài hát rất nhiều, nhưng có những bài không bao giờ được hát”, anh Hoàng Hải, chủ tiệm Karaoke Hoàng Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết. Do đó, giải pháp của chủ tiệm này đưa ra là xóa bớt bài hát, cũng như sẽ phải tăng giá dịch vụ.

Hiện nay, theo mức giá thu của VCPMC (được công bố trên website của đơn vị này), mỗi phòng karaoke (tương đương đơn vị tính 1 đầu máy của RIAV) ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM phải đóng tiền tác quyền là 2,5 triệu đồng/năm. Nếu tính theo giá của RIAV là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy (phòng)/năm thì mỗi phòng karaoke phải đóng cho RIAV (sử dụng khoảng 3.000 bài của RIAV) ít nhất 6 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo lý giải của Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền, đơn vị trực thuộc RIAV, việc thu phí theo hình thức này đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ban quyen am nhac: Ai thu, thu ai?
 

Trong vấn đề mới phát sinh này, minh bạch lại là yếu tố cốt lõi để có thể thực thi được việc thu phí. “Bên sử dụng karaoke có thể sử dụng nhiều hơn mức khai báo, còn bên RIAV có thể mở rộng phạm vi tác phẩm được thu theo ủy quyền”, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB Law, nói. Bên cạnh đó, các đơn vị thu tiền bản quyền phải bàn bạc để thu phí cho “quyền liên quan” (gồm tác giả bài hát, ca sĩ, thu âm, phối khí) trọn gói. Không thể VCPMC thu phần tác giả, rồi RIAV thu phần còn lại, nhưng cũng chỉ thu 1/3 hoặc 1/4 số lượng bản nhạc có trong các đầu đĩa karaoke...

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, công nghệ có thể giúp đo đếm chính xác các tác phẩm sử dụng trong năm, nếu không giải quyết được khúc mắc của các đơn vị kinh doanh để họ tâm phục khẩu phục thì có lẽ con đường thu phí của RIAV sẽ còn nhiều chông gai. Nhiều ý kiến lo ngại quy định mới của RIAV không dễ thực hiện và cần có sự kết hợp giữa nhiều bên có liên quan giữa các cơ quan chủ quản và đơn vị sở hữu bản quyền.

Công ty Điện tử HANET Việt Nam từng giải quyết bài toán này qua dự án Share Our C.A.K.E. Đây là dự án tích hợp quyền lợi của nhiều đối tượng liên quan về mặt bản quyền gồm chủ sở hữu bản quyền, doanh nghiệp khai thác quảng cáo, trung tâm kinh doanh karaoke và các khách hàng đi hát. Theo đó, dự án này sẽ đóng tiền bản quyền thay cho các trung tâm karaoke. Ngoài ra trung tâm karaoke cũng sẽ nhận thêm phần trăm doanh thu từ quảng cáo.

Theo giải pháp mà HANET đưa ra, 20.000 phòng hát trên toàn quốc sử dụng thiết bị của công ty này sẽ được kết nối internet và hiển thị các bản quảng cáo mới. Khi có doanh thu quảng cáo, tỉ lệ phân chia tương ứng sẽ là 25% cho chủ sở hữu quyền, 10% thuộc về trung tâm kinh doanh karaoke, 30% cho các đại lý khai thác quảng cáo, 15% cho HANET và 20% còn lại dùng để đầu tư và tái đầu tư xây dựng hệ thống.

Ngoài ra, HANET cũng bắt tay cùng với 2 đơn vị đang nắm giữ thị phần lớn về giải trí và truyền thông là Zing Mp3 và Goldsun Focus Media. Trong khi Zing Mp3 hiện sở hữu kho nhạc hơn 1 triệu bài hát được ủy thác, mảng quảng cáo trên kênh màn hình công cộng, di động... lại là điểm mạnh của Goldsun Focus Media, đơn vị này được HANET triển khai dịch vụ quảng cáo tại các trung tâm KTV trên toàn quốc.

“Tuân thủ Luật Bản quyền được coi là điểm mấu chốt để doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển bền vững trong nền kinh tế hội nhập”, ông Nguyễn Liên Phương, Tổng Giám đốc LP Vietnam, cho biết. Việc xâm phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam khá gay gắt. Cách đây vài năm, Công ty Luật Duane Morris Việt Nam nhận định, chỉ có khoảng 1% lượng download và cung cấp sản phẩm trên mạng tại Việt Nam có bản quyền. Vì thế, việc thu tiền bản quyền âm nhạc mọi hình thức được công luận rất ủng hộ nhằm bảo vệ quyền của các nghệ sĩ, nhạc sĩ...

Tuy nhiên, để tránh việc thu phí bản quyền chồng chéo, gây nhiều tranh cãi, việc đầu tư công nghệ hiện đại để có thể kiểm soát số lượng, tần suất sử dụng các bài hát là rất cần thiết. Như vậy mới đảm bảo sự công bằng cho các bên liên quan và cả người sử dụng.

Tài Đức