Bán lẻ vào Việt Nam có dễ?
Thực tế, những cam kết mở cửa cùng với sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ, Việt Nam đang hút làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Việt Nam đã cam kết những gì?
Từ 2015 Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO.
Theo cam kết này, Việt Nam sẽ mở cửa cho phép nhà cung cấp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam ở 110/155 phân ngành trong ngành dịch vụ phân phối của WTO, bao gồm cả đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ, bán hàng đa cấp, nhượng quyền thương mại.
Về phạm vi hoạt động, Việt Nam chỉ được phép nhà bán lẻ nước ngoài cung cấp dịch vụ bán lẻ thông qua việc lập cơ sở bán lẻ (cửa hàng, siêu thị...) và chỉ được tự động mở 1 địa điểm bán lẻ không kèm theo bất cứ điều kiện gì và từ cơ sở thứ hai trở đi cần dựa trên phân tích nhu cầu kinh tế (ENT) của cơ quan thẩm quyền. ENT có vai trò bảo vệ doanh nghiệp nội trước làn sóng đổ bộ của nhà bán lẻ ngoại.
Việt Nam cam kết mở cửa các dịch vụ phân phối đối với tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam kể từ ngày 11/1/2007. Một số sản phẩm được mở cửa từ năm 2010 gồm có xi măng, giấy, phân bón.
7 nhóm sản phẩm bị loại bỏ hoàn toàn khỏi danh mục cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phân phối tại Việt Nam gồm thuốc lá và xì gà; sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình; kim loại quý và đá quý; dược phẩm; thuốc nổ; dầu thô và dầu đã qua chế biến; gạo, đường mía và đường củ cải). Song quy định này chỉ áp dụng với các nhà phân phối vào Việt Nam sau ngày 11/1/2007.
Đáng chú ý, Việt Nam cam kết không hạn chế về nguồn gốc các sản phẩm phân phối trong các cơ sở bán lẻ nước ngoài.
Về lộ trình, Việt Nam cam kết cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO ngày 11/1/2007 dưới hình thức bắt buộc là liên doanh (cổ phần lên doanh không quá 49%). Từ ngày 1/1/2008, hạn chế về tỷ lệ cổ phần liên doanh được dỡ bỏ. Kể từ 1/1/2009, Việt Nam cho phép lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ kể. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã nhanh chóng mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.
Tuy vậy, trên thực tế, trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cấp phép đơn lẻ (xét cho từng trường hợp) cho Tập đoàn Casino của Pháp vào Việt Nam với thương hiệu Big C năm 1998 dưới hình thức liên doanh, Metro Cash & Carry của Đức năm 2002 dưới hình thức 100% vốn nước ngoài.
Gần đây nhất, ngày 29/3/2014, Việt Nam tiếp tục nới điều kiện kinh doanh cho nhà bán lẻ nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn kiểm tra ENT hoặc được miễn áp dụng quy định đối với một số mặt hàng không được phép phân phối như lúa gạo, đường, thuốc lá, sách báo… khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích bé hơn 500m2.
Quy định này được cho là sẽ mở đường cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nhỏ chuyên doanh, tức là "đánh" trực diện vào hệ thống cửa hàng chuyên doanh, siêu thị nhỏ như SatraFood, CoopFood, Fivimart.
Cạnh tranh bán lẻ và sóng ngầm ở phân khúc “cửa hàng tiện ích”
Từ khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, mảnh đất vàng màu mỡ này nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và điều này cũng đồng nghĩa với việc thị phần của doanh nghiệp nội đang bị thu hẹp dần.
Hiện có 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh trong ngành bán lẻ của Việt Nam. Hầu hết các nhà bán lẻ có tên tuổi trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như Lotte (Hàn Quốc), Metro (Đức), Big C (Pháp), Aeon (Nhật), CP Group (Thái Lan), …. Walmart – hãng bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đang lên kế hoạch vào Việt Nam vào năm sau.
Con số này dự kiến còn tăng mạnh trong thời gian tới khi thời điểm mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào 2015 đang tới gần và kèm theo đó là sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép miễn thuế quan đối với khoảng 10.000 loại hàng hóa.
Để tận dụng những ưu đãi này, nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh kế hoạch thâm nhập thị trường ở mọi phân khúc. Tuy không lấn lướt từ đầu, nhưng phân khúc kinh doanh cửa hàng tiện ích đang trở thành xu thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp cả nội và ngoại nhằm chiếm lĩnh thị phần.
5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích tăng từ 2-3 lần,. Hiện tại, TPHCM có hơn 700 cửa hàng tiện ích, trong đó hệ thống kinh doanh theo chuỗi có trên 660 cửa hàng.
Các tập đoàn nước ngoài thường có tiềm lực lớn, mở rộng nhanh và ồ ạt, chiếm nhiều vị trí tốt. Nhiều cửa hàng tiện lợi còn hoạt động 24/24 giờ, đây là điều mà đơn vị trong nước chưa thực hiện được.
Vận hành từ giữa năm 2005, chuỗi cửa hàng Shop & Go của nhà đầu tư Singapore đã trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích đứng đầu về quy mô với 111 cửa hàng tính đến tháng 8/2014 và không ngừng kế hoạch mở rộng.
Đến Việt Nam từ tháng 12/2008, đến nay, Circle K (Mỹ) đã có hơn 70 cửa hàng tại TPHCM. Một thương hiệu khác từ Nhật Bản là FamilyMart cũng đang có hơn 50 cửa hàng tại TP.HCM.
B’s Mart (Thái Lan) cũng có mức độ phủ sóng dày đặc với 96 cửa hàng. B’s Mart dự kiến đến năm 2018 sẽ đạt con số 300 cửa hàng và hoạt động kinh doanh sẽ “hòa vốn” nhờ lợi thế về quy mô.
Hệ thống Big C với thương hiệu Big C Express cũng liên tục mở cửa hàng trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, tuy có mặt từ năm 2006 nhưng đến nay chuỗi cửa hàng tiện ích của doanh nghiệp nội vẫn loay hoay định hình thị trường, loay hoay giữa mô hình bán lẻ tạp hóa hay cửa hàng tiện ích. Chuỗi cửa hàng tiện ích đầu tiên mang thương hiệu Việt là G7 Mart do Trung Nguyên đầu tư đã nhanh chóng biến mất.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang nỗ lực giành lại thị phần trong lĩnh vực này. Năm 2008, từ cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi đầu tiên Co.op Food, đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 60 cửa hàng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận.
Chuỗi cửa hàng của Satrafood cũng lên tới con số 42, trong đó khoảng 80% mặt hàng là thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả và hải sản tươi sống; 20% còn lại là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng.
Sức hấp dẫn của phân khúc cửa hàng tiện ích có thể nói không thua kém phân khúc siêu thị và trung tâm thương mại hạng sang nhất là khi tiềm năng của phân khúc này còn rất nhiều. Theo các chuyên gia, con số khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trên cả nước hiện nay còn quá nhỏ so với kênh bán lẻ truyền thống khoảng 300.000 cửa hàng tạp hoá và hơn 2.000 chợ trải khắp các tỉnh thành.
Thị trường bán lẻ khi đã mở với đầu tư nước ngoài sẽ là cơ hội và cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nội khi mà những lợi thế ban đầu không còn, ngay cả lợi thế “sân nhà” và việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam.
Nguồn Theo DVO