Nhu cầu laptop và điện thoại di động có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7. Ảnh: T.L

 
Quốc Cường Thứ Ba | 16/08/2022 15:55

Bán lẻ giảm tốc trong quý II, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào quý III

TP.HCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ là những địa phương dẫn dầu tăng trưởng trong bán lẻ với mức tăng trên 16%.

Tổng cục thống kê vừa công bố số liệu cho thấy trên cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm ước đạt 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 12%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2,6 triệu tỉ đồng, tăng 14%, sau khi loạt trừ yếu tố tăng giá thì thì mức tăng còn là 9,5%.

Trong số đó, nhóm hàng xăng dầu tăng 24,7%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 21,4%; lương thực, thực phẩm tăng 13,8%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 9,7%; may mặc tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,7%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Khánh Hòa tăng 18,2%; Bình Dương tăng 18,1%; TP.HCM tăng 16,8%; Cần Thơ tăng 16,1%; Quảng Ninh tăng 15,0%; Hải Phòng tăng 11,8%; Hà Nội tăng 10,7%; Đà Nẵng tăng 9,7%.

Đa phần doanh nghiệp bán lẻ đều duy trì lợi nhuận tăng trưởng trong quý II nhưng tốc độ tăng đã giảm đáng kể. Ảnh: TGDĐ
Đa phần doanh nghiệp bán lẻ đều duy trì lợi nhuận tăng trưởng trong quý II nhưng tốc độ tăng đã giảm đáng kể. Ảnh: TGDĐ

Trong một loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp bán lẻ và bán buôn niêm yết, điểm chung là tốc độ tăng trưởng đã giảm đáng kể so với các quý trước. Một số doanh nghiệp như FPT Retail, PNJ, Digiworld vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong khi các doanh nghiệp như Thế Giới Di Động và Petrosetco suy giảm.

Đánh giá về triển vọng trong quý III, SSI Research cho rằng tăng trưởng doanh thu của mảng công nghệ thông tin (ICT & CE) sẽ lớn hơn mức tăng trong 6 tháng đầu năm do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm trước. Đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao (như FPT Retail và Digiworld), tăng trưởng doanh thu có thể ở mức thấp một con số do nền cơ sở cao trong 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh hưởng của vấn đề thiếu chip đã giảm bớt do nhu cầu tăng trưởng chậm hơn.

 

Tương tự, ở mảng trang sức, mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau COVID-19 từ mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021. SSI Research dự báo PNJ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất về lợi nhuận trong quý III do đã lỗ trong cùng kỳ năm trước vì phải đóng cửa nhiều cửa hàng theo các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Tại Thế Giới Di Động, nhờ vừa có mảng kinh doanh ICT và CE vừa có mảng hàng tiêu dùng, vì vậy doanh nghiệp này được SSI Research đánh giá là vẫn có thể tăng lợi nhuận nhờ tăng thị phần trong mảng ICT và CE, mặc dù tăng trưởng từ mảng này sẽ thấp. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của Thế Giới Di Động phụ thuộc vào thành công của hoạt động tái cơ cấu Bách Hóa Xanh được thực hiện trong quý II và quý III. Nếu quá trình tái cấu trúc thành công, tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai có thể bắt kịp mức tăng trưởng trước đại dịch (mức tăng trưởng 30-40% trong giai đoạn 2017-2019).

Còn theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kết quả các cuộc thỏa thuận giữa Digiword và Petrosetco đã thể hiện các dấu hiệu phục hồi nhu cầu laptop và điện thoại di động trong tháng 7. Cụ thể, doanh thu laptop tháng 7 của Digiworld tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tháng 8 và 9 sẽ phục hồi rõ ràng hơn. Petrosetco không có số liệu cụ thể nhưng lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định có xu hướng này. Vì vậy, BVSC cho rằng triển vọng sáng này không chỉ cho các nhà phân phối mà còn cho các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động và FPT Retail.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đang thu hút FDI ngành sản xuất giá trị cao