Không còn xem kênh trực tuyến như một chiêu bài truyền thông, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng kế hoạch đầu tư nghiêm túc vào mảng này trong thời gian tới. Ảnh: Quý Hoà.
Bán lẻ đổ bộ online
Không còn xem kênh trực tuyến như một chiêu bài truyền thông, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng có quy mô lớn ở Việt Nam đã đồng loạt công bố các kế hoạch đầu tư nghiêm túc vào mảng này trong thời gian tới.
Cuộc đổ bộ quy mô lớn lên online
Tại Đại hội cổ đông diễn ra mới đây, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Masan Consumer (MCH), tiết lộ: “10 năm trước, chúng tôi không biết kênh trực tuyến là gì, nhưng bây giờ, chúng tôi đã phác họa được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam phải như thế nào”. Đến thời điểm này, ông Thắng không chỉ rõ ràng về hướng đi trực tuyến mà còn cùng Masan đặt ra mục tiêu rất lớn cho kênh bán lẻ mới này. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu. Đây là một con số không hề nhỏ, như năm 2020, doanh thu thuần của Masan Consumer là hơn 22.000 tỉ đồng, với mục tiêu đề ra doanh thu mảng trực tuyến sẽ đóng góp không dưới 4.000 tỉ đồng/năm.
Không chỉ Masan, các công ty khác cũng đang đầu tư mạnh cho kênh bán lẻ hiện đại này. Ví dụ, chuỗi Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu năm nay mảng trực tuyến sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu, tương đương 1.000 tỉ đồng. Ông Yol Phokasub, Giám đốc Điều hành Central Retail (CRC), cho biết, cuối năm 2020, doanh số từ các kênh đa nền tảng của BigC, Nguyễn Kim đóng góp 5% và 8% tổng doanh thu.
Có nhiều lý do cho làn sóng “đổ bộ” lên online của các doanh nghiệp bán lẻ như dịch bệnh COVID-19 bùng phát dẫn đến hạn chế về giao tiếp vật lý, sự phổ biến của smartphone và độ phủ ngày càng rộng của internet khiến người tiêu dùng gắn chặt hơn với các kênh trực tuyến... Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, theo ông Trần Hùng Thiện, Giám đốc Điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM, là xu hướng này được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu và bài học của Mỹ và Trung Quốc - 2 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.
Theo ông Thiện, khách hàng trẻ dù kết nối mạng thường xuyên nhưng bị hạn chế về thu nhập, chính tầng lớp trung lưu mới là nhóm dẫn dắt xu hướng mua hàng trực tuyến hiện nay và không một doanh nghiệp nào muốn bỏ lỡ tập khách hàng này. Lý do thứ 2 cũng quan trọng không kém là bài học nhãn tiền ở Mỹ và Trung Quốc. Ngành bán lẻ truyền thống ở 2 quốc gia này đang chứng kiến sự thắng thế của doanh nghiệp dẫn đầu ở thị trường thương mại điện tử.
Theo ông Thiện, ở Việt Nam, câu chuyện này cũng sẽ diễn ra tương tự vì thương mại điện tử phát triển lắm cũng cỡ 20-25% như ở Trung Quốc hay Mỹ. Phần lớn miếng bánh còn lại vẫn nằm ở thị trường bán lẻ truyền thống. “Từ bài học ở Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không muốn nằm trong thế bị động”, ông Thiện nhận định.
Bí mật của công thức O2O
Thông thường, doanh nghiệp đề ra mục tiêu đóng góp mảng kinh doanh trực tuyến càng lớn thì mạng lưới cửa hàng vật lý phải giảm đi. Nhưng điều thú vị là kết quả dường như ngược lại: việc mở rộng mạng lưới cửa hàng vẫn đang được đẩy mạnh. CRC, chẳng hạn, mở mới liên tục các trung tâm thương mại GO! tại Trà Vinh, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột, Bến Tre và mới đây là Thái Nguyên.
Ông Yol Phokasub cho biết với 211 triệu USD công bố gần đây, CRC dự kiến sẽ mở thêm các trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! ở Bà Rịa, Thái Bình, Lào Cai và một siêu thị mini ở Tây Ninh. Masan thậm chí còn tham vọng hơn. Trong 4 năm tới, công ty này phải có 30.000 cửa hàng WinMart, gấp 10 lần con số hiện tại, với hơn một nửa trong số đó là điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số.
Nghịch lý mở rộng điểm bán trong xu thế online trở thành hợp lý khi giúp người dùng tăng trải nghiệm trong môi trường đa kênh. Gia tăng số lượng cửa hàng là nền tảng để đẩy mạnh giải quyết bài toán này. Mạng lưới cửa hàng dày đặc sẽ đóng vai trò như kho phân tán của doanh nghiệp để tối ưu thời gian giao hàng.
Bách Hóa Xanh hiểu rõ mô hình này nhất vì đã thực hiện thành công việc giao hàng tươi sống trong 4 giờ dựa vào hơn 1.800 cửa hàng trên toàn quốc. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc của Bách Hóa Xanh, cho biết trong tháng 6, chuỗi cửa hàng này sẽ đưa ra dịch vụ giao hàng trong vòng 2 tiếng, áp dụng từ Khánh Hòa đến tận Cà Mau. “Chúng tôi đang sở hữu mạng lưới kho hàng phân tán dày đặc nhất nhì trong mảng tạp hóa hiện nay. Điều này hình thành một hệ thống logistics xuyên suốt các tỉnh, thành”, ông Doanh nói.
Các doanh nghiệp đi theo mô hình online kết hợp offline (O2O) tin rằng khách hàng sẽ không vì có thương mại điện tử mà không đến cửa hàng truyền thống hay ngược lại, cả 2 kênh sẽ bổ sung cho nhau để đáp ứng nhu cầu của người mua. “Kinh doanh online cần nhiều mặt hàng để thu hút người mua, nhưng quá nhiều hàng hóa cũng là một thách thức trong việc việc sắp xếp, đặt hàng và giao nhận”, ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc Điều hành Haravan, cho biết.
Ảnh: Quý Hoà. |
Đối với các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng truyền thống, đây là rào cản lớn nhất vì càng nhiều nghiệp vụ, thời gian xử lý càng cao sẽ đội chi phí lên cao. Trong khi kinh doanh trực tuyến đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận thấp đi vì khách hàng cần các chiến dịch khuyến mãi để kích cầu, trong khi chất lượng dịch vụ phải tốt hơn.
Lãnh đạo của The CrownX (công ty nắm giữ lợi ích của Masan tại Masan Consumer và VinCommerce) cho biết Công ty hướng đến xây dựng mô hình bán lẻ kết hợp xuyên suốt từ online đến offline “Point of Life” để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. Theo mô hình này, ước tính người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% và đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.
Ông Huỳnh Lâm Hồ cũng nhận định, càng nhiều nhà bán lẻ đầu tư bài bản vào thị trường trực tuyến thì nhà sản xuất càng được lợi. Khi đó, thương hiệu của nhà sản xuất sẽ được phủ rộng rãi hơn ở khắp các kênh nhờ qua các nhà bán lẻ. Từ đó, hàng hóa chắc chắn sẽ bán được nhiều hơn, lượng tiền để xoay vòng cũng tốt hơn, không phải nằm nhiều ở hàng tồn kho như trước. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ lúc này là bộ phận R&D cho nhà sản xuất, dựa trên dữ liệu về hành vi, sở thích của khách hàng cuối, để có thể sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, thị trường với chi phí tốt hơn.