Hoàng Hạnh Thứ Hai | 07/01/2019 07:00

Băn khoăn với “kỳ tích” tăng trưởng

Trên đỉnh cao tăng trưởng, kinh tế Việt Nam vẫn cần tìm thêm động lực mới cho năm 2019.

Hai cái tên quen thuộc

Kỳ tích tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây với con số 7,08% của nền kinh tế Việt Nam lại điểm danh 2 cái tên quen thuộc đóng góp lớn: Samsung và Formosa. Riêng đối với Samsung, tổng sản lượng xuất khẩu năm 2018 đã trên 60 tỉ USD, tăng trưởng hơn 11%, bằng khoảng 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Sự gắn bó và trưởng thành của Samsung và Formosa đã chứng tỏ sự nhất quán trong việc trải thảm đỏ rước nhà đầu tư vào Việt Nam.

Ban khoan voi “ky tich” tang truong
 


Dẫu vậy, không thể quên nhiệm vụ sống còn là phải tăng trưởng thực chất, vì một nền kinh tế có nội lực, tạo nền tảng để vươn tới sự hùng cường. Đứng từ điểm nhìn này, có một số vấn đề không thể không đặt ra. Thứ nhất, bóng dáng FDI hiện diện trong nền kinh tế Việt Nam nên được hiểu đầy đủ như thế nào? Dường như vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp này không chỉ thể hiện rõ nét trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với những điển hình Samsung và Formosa.

Số liệu 8 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Hải quan cho thấy, doanh nghiệp FDI góp mặt ở 14/25 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Ngoài việc chiếm ưu thế tuyệt đối trong nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất và trong lĩnh vực công nghệ cao như điện thoại, máy tính, máy ảnh, máy móc thiết bị..., doanh nghiệp FDI giành ưu thế cả ở một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, giày dép...

Theo Báo cáo tổng kết ngành da giày năm 2018 của Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2018, ngành da giày đã đạt 17,68 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 11,63 tỉ USD giày dép và 2,34 tỉ USD túi - ví - cặp, chiếm 79,4% về giày dép và 76,2% về túi - ví - cặp.

Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI ở 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp là thủy sản, cà phê, rau quả, hạt tiêu trong 8 tháng đầu năm 2018 lần lượt là 415 triệu USD, 942 triệu USD, 177,7 triệu USD và 43 triệu USD. Theo cách gián tiếp, trong chuỗi cung ứng sản phẩm cho khu vực sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp FDI đang chiếm trên 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi, hơn 50% thị phần thuốc bảo vệ thực vật... 
 

Ban khoan voi “ky tich” tang truong
 

Mức tăng trưởng cao nhất của nhóm ngành bán buôn và bán lẻ (8,51%) hay tăng trưởng ở hoạt động kinh doanh bất động sản (4,33%) không thể thiếu bàn tay doanh nghiệp FDI, các nhà đầu tư vốn đã nhanh tay thâu tóm thị trường bán lẻ và đã rót vốn vào bất động sản đứng hàng thứ 2 trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.

Đáng nói, theo một số liệu công khai trên báo chí, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra mức lợi nhuận lớn, chiếm khoảng 48% tổng lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế. Một thông tin khác, trong giai đoạn 2011-2016, lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp này cao hơn khối ngoài nhà nước khoảng 181%. Tuy nhiên, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước.

Kinh tế tư nhân bao giờ mạnh?

Nói nôm na, lợi nhuận của nền kinh tế Việt Nam đang chảy ra nước ngoài. Cũng đồng nghĩa tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi.

Ban khoan voi “ky tich” tang truong
 

Bức tranh không quá tươi sáng của khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể làm trĩu nặng hơn nỗi suy tư về viễn cảnh của nền kinh tế. Tại một cuộc hội thảo tổ chức vào cuối năm 2018, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã phải nhắc lại một thực trạng rất lạ lùng là khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP chưa đến 8%, khu vực hộ gia đình đóng góp tới 32%.

Xin được nhắc thêm rằng, năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.700 doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 doanh nghiệp, tăng lần lượt 49,7% và 34,7% so với năm trước. Nếu vẫn để cho các thực thể của khu vực này tự sinh, tự diệt một phần do nguồn lực đang dồn cho các khu vực kinh tế khác, xu hướng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể sẽ tiếp tục kéo dài.

Trong 3 trụ cột được xác định: thể chế, năng suất lao động, phát triển khu vực tư nhân, khi trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đặc biệt lưu ý tới vấn đề thể chế kinh tế. Chỉ trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh sòng phẳng, công bằng, mới tạo ra động lực để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Việt Nam đang có một cái hẹn được WTO công nhận vào năm 2019. Hy vọng điều này sẽ trở thành hiện thực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững bằng thực lực của mình.