Ban hành Nghị định về thanh tra ngành tài chính
Theo Nghị định, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành tài chính bao gồm: Cơ quan Thanh tra nhà nước có thanh tra Bộ Tài chính và Thanh tra Sở Tài chính; Các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Các Cục thuộc Tổng cục, các chi cục.
Trong đó, Thanh tra Bộ thực hiện xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn kế hoạch thanh tra ngành tài chính; Kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra; Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra ngành tài chính.
Nội dung thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Về thanh tra hành chính, Thanh tra nhà nước sẽ thanh tra việc chấp hành, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Nghị định này.
Về thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thanh tra Sở Tài chính thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở tài chính.
Tổng cục, Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục thuộc Tổng cục, Chi cục Thuế thực hiện thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo phân công của cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn kế hoạch thanh tra ngành tài chính trước ngày 15/10 hàng năm. Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt khi cần điều chỉnh phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xử lý việc chồng chéo trong công tác thanh tra; quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc trung ương kết luận...
Nguồn Chinhphu.vn