Thứ Sáu | 12/10/2012 14:34

Ban hành Nghị định về hoạt động Thanh tra Chính phủ

Nghị định mới ban hành về Thanh tra Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2012.
Ngày 9/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Theo Nghị định, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố các và phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ sẽ trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ về các hoạt động trong phạm vi trách nhiệm.

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra hàng năm; Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Về hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ lập kế hoạch thanh tra; hướng dẫn Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra;

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố; Thanh tra đối với các doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;

Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Bộ trưởng kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

Về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đôn đốc xử lý người có hành vi tham nhũng;

Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị giải pháp, chính sách.

Thanh tra Chính phủ gồm có 19 đơn vị thành viên. Trong đó, có 9 Vụ gồm: Vụ thanh tra khối kinh tế; Vụ thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp; Vụ giám sát, thẩm định sau thanh tra; Vụ Pháp chế; 3 Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực; Cục chống tham nhũng...

Nguồn Chính phủ


Sự kiện