Bán hàng ra quốc tế không cần xuất khẩu
Kinh tế thế giới khó khăn, nhiều DN phía Nam từ đầu năm đến nay đã tìm đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong KCX để bán sản phẩm, để được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì đi phát triển thị trường xuất khẩu.
Sao phải bỏ trống thị trường nội địa
Thị trường tiêu thụ hàng hóa quốc tế bước sang năm 2013 chưa hết khó khăn do các nền kinh tế chủ chốt trên toàn cầu còn bết bát, nhiều DN Việt Nam đã chuyển hướng cung cấp nguyên, phụ liệu cho các công ty nước ngoài làm ăn ở trong nước để tiết giảm chi phí. Mỹ Lan là một DN như vậy khi Tập đoàn này khai trương cửa hàng VjetStore tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2012.
“Tôi suy nghĩ rằng trong khi các tập đoàn lớn trên thế giới đều muốn đầu tư vào Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam luôn có tiềm năng thì không lý do gì một DN trong nước lại cố gắng vươn ra thế giới bỏ trống thị trường nội địa”, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan nói về việc không nhất thiết phải xuất khẩu hàng hóa mới tạo ra được giá trị gia tăng cho DN.
Là một nhà sản xuất mực in, cung cấp cho các công ty sản xuất máy in trên toàn cầu, nhiều năm qua Mỹ Lan đã bán hàng cho khách hàng lớn, khách hàng DN, chứ không phải đến tay người tiêu dùng. Chủ tịch công ty này cho rằng, Mỹ Lan đạt được kết quả như hôm nay vì trên thế giới, số lượng các tập đoàn vừa có thể sản xuất máy in và mực in rất ít và thường là các tập đoàn lớn như HP, Ricoh, Xerox…
Vì vậy, chuyện lợi nhuận năm 2012 của Tập đoàn Mỹ Lan vượt hơn 230% so với năm 2011 là dễ hiểu. Lợi thế đó chỉ là một phần mà phần lớn là chiến lược của DN đang vạch ra đã đi đúng hướng.
“Mỹ Lan đã từng có giai đoạn chế tạo mực in cho Vjet 1.000 và 2.000, DN cũng đã kịp huấn luyện các cộng sự của mình làm thêm được vài chục chủng loại sản phẩm mực in khác và hiện đang tiêu thụ ngoài thị trường. Dựa trên cơ sở đó, VjetStore sẽ không chỉ có ở TP. Hồ Chi Minh mà Mỹ Lan dự định sẽ thiết lập một chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn trên cả nước và nước ngoài. Từ đó sẽ có những VjetStore thứ 2, thứ 3 tại Hà Nội, Đà Nẵng, Singapore…”, ông Nguyễn Thanh Mỹ nói.
Công ty XNK Thanh Mai (Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đã từng có hướng sản xuất rau củ quả tươi và đông lạnh, ớt, khoai mì lát, hàng may mặc, vải sợi, điện tử… xuất khẩu trực tiếp. Bà Phạm Thị Thanh - Giám đốc Công ty Thanh Mai cho rằng, bối cảnh thị trường xuất khẩu ở một số nước trên thế giới đang gặp khó khăn, hơn nữa với quy mô DNNVV, kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường quốc tế và tìm kiếm bạn hàng ở nước ngoài chưa nhiều, công ty đã chuyển hướng sang xuất khẩu tại chỗ.
Ngoài việc cung cấp nguồn nguyên, phụ liệu cho các DN phục vụ cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, công ty còn chủ động đưa hàng hóa trực tiếp đến bán cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
“Mặc dù lợi ích thu về không cao bằng khi xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài nhưng bù lại, công ty không tốn kém nhiều chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng ở những đất nước xa xôi trong khi DN không am hiểu nhiều về tập quán, xu hướng tiêu dùng, luật pháp...”, bà Phạm Thị Thanh nói.
Trước đó, Công ty Thanh Mai đã từng bán hàng hóa, sản phẩm may mặc, vải sợi của mình cho những đối tác xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Hiện tại, công ty đang kết nối với một số cơ sở, đầu mối thu mua, xuất khẩu ớt của người Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây là hướng đi mới trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về thị trường như hiện nay.
Có thể xuất khẩu tại chỗ
Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó mặt hàng nông sản của các DN trong nước được bán qua Mỹ rất lớn. Thế nhưng, với những DN quy mô nhỏ, việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ không dễ, do khả năng tài chính và kinh nghiệm quốc tế còn nhiều yếu kém. Bởi vậy thay vì xuất khẩu trực tiếp, nhiều DN chọn hình thức liên kết xuất khẩu.
Công ty XNK – Xúc tiến thương mại đầu tư Tatico đã có mặt tại Việt Nam gần 10 năm qua, chuyên chuyển hàng nông sản sang thị trường Mỹ cho nhiều DN trong nước. Tổng giám đốc Tatico bà Jeny Trương Thị Tuyết vốn là một việt kiều cho biết, hiện nay chi phí xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, chào hàng ra nước ngoài rất tốn kém, không phải DN nào trong nước cũng có thế mạnh này.
Mặt khác, quy định của luật pháp, các quy chuẩn cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ cũng nhiều và khác biệt, vì vậy, nếu không thông thuộc dễ gây trở ngại cho DN Việt Nam. Khi xuất khẩu liên kết theo hình thức này, các DN trong nước không phải lo tìm kiếm đầu ra.
Hoạt động xuất khẩu mang tính chuyên nghiệp hóa cao. Nhà sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu thì chuyên tâm lo khâu sản xuất, chế biến; Nhà cung cấp, bán hàng ra nước ngoài lo tìm kiếm thị trường, đảm bảo nguồn cung cũng như chịu mọi trách nhiệm về uy tín, chất lượng đối với bạn hàng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ một nhà quản trị với kiến thức tài chính vững vàng sẽ chủ động và linh hoạt hơn trong việc nắm bắt các vấn đề của DN cũng như nền kinh tế. Hiện Mỹ Lan đang chọn thị trường trong nước là trung tâm, do đó thời gian qua công ty đã đầu tư rất lớn về máy móc, công nghệ, con người.
Kinh tế thế giới khó khăn, nhiều DN phía Nam từ đầu năm đến nay cũng tìm đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong KCX để bán sản phẩm, để được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì đi phát triển thị trường xuất khẩu. Việc bán hàng vào KCN – KCX hiện cũng được hưởng đầy đủ các quy định như nhà xuất khẩu từ thanh toán bằng ngoại tệ, đến cơ chế ưu đãi thuế quan đang được nhiều DN trong nước quan tâm hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, thành tích xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam có sự tham gia của các công ty Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tham gia vào chuỗi sản xuất để tìm ra giá trị cho riêng mình, bản thân DN phải không ngừng vươn lên về khả năng cung ứng và uy tín chất lượng hàng hóa bán ra.