Mỏ Núi Pháo

 
Vân Nguyễn Thứ Ba | 03/04/2018 10:00

“Bàn đạp” phát triển ô tô Made in Vietnam

Tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất ô tô trong nước, đang là vấn đề sống còn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda. 

Thủ tướng cho rằng, ngành ô tô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào khu vực ASEAN khi ngay đầu năm 2018 thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm về 0%. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu với mục tiêu tham gia chuỗi giá trị công nghiệp ô tô, lấy tiêu chuẩn khu vực và quốc tế làm mục tiêu cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu như Thaco, Trường Hải; Vinfast của Vingroup…

Thủ tướng đề nghị Thaco cần có kế hoạch cụ thể để phát triển hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Chi phí, yếu tố chính giảm khả năng cạnh tranh

Trên thực tế, khả năng cạnh tranh của sản xuất ô tô trong nước còn rất yếu. Ông Sumito Ishii, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn General Motors Việt Nam, cho biết, chi phí là yếu tố chính làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước.

Chi phí sản xuất xe trong nước của Việt Nam đang cao hơn từ 10-20% so với Thái Lan hay Indonesia. Nguyên nhân là do phần lớn các linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất xe ôtô và phụ tùng ôtô phải nhập khẩu.

Cạnh đó, các nhà sản xuất xe ôtô trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu, làm cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn Thái Lan hoặc Indonesia.

“Ban dap” phat trien o to Made in Vietnam
Bên trong nhà máy xe Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á của Thaco.

“Khoảng cách về chi phí sản xuất này có thể lên tới 10-20% sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN kể từ năm 2018”, Tổng Giám đốc General Motors Việt Nam, nói thêm.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, sau hơn 20 năm, đã không đạt mục tiêu phát triển cũng như tỷ lệ nội địa hóa. Chẳng hạn, với xe đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đạt 40% tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 đã không hoàn thành, thậm chí đến nay tỷ lệ này mới đạt bình quân từ 7-10%.

Thiếu các doanh nghiệp cung ứng nội địa đã khiến Việt Nam không thể tăng được hàm lượng nội địa hóa, trong bối cảnh trên 90% các nhà cung cấp linh kiện hiện nay là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thực ra, tăng tính cạnh tranh trên mỗi một dòng sản phẩm, không chỉ là áp lực của riêng các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, nó là của khu vực và thế giới.

 Ông Teguh Trihono, Trưởng ban Đối ngoại Công ty Toyota Motor Manufacturing – Indonesia, một trong những doanh nghiệp lớn nhất, chiếm tới 77% thị phần thị trường ô tô của Indonesia, cho biết đang phải tập trung cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao hàm lượng nội địa.

Toyota Motor Manufacturing từ 2015 đến nay đã xuất khẩu tới 88-89% tổng sản sản lượng, tới hơn 80 quốc gia trên toàn cầu. Riêng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 170.000 xe.

Sản phẩm Innova của Toyota Motor Manufacturing có hàm lượng nội địa cao, thành quả đó dựa trên sự hợp tác với các công ty trong nước. “Chúng tôi muốn sử dụng nhiều hơn nữa các nguyên liệu trong nước, như thép, hạt nhựa, cao su tổng hợp… cho các hoạt động sản xuất và chế tạo”, ông Teguh Trihono nói.

“Bàn đạp” mới

Nhu cầu bức thiết phải có những nhiên liệu sạch hơn dành cho các loại phương tiện di chuyển đã dẫn đến những nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng nhiều loại nguyên liệu sản xuất ô tô khác nhau. Xu hướng này đang biến vonfram thành một nguyên liệu hấp dẫn cho ngành công nghiệp ô tô.

Hiện ngành sản xuất ô tô đang là đối tượng tiêu thụ vonfram lớn nhất, với 25% tổng sản lượng toàn cầu, theo Bloomberg. Vonfram là kim loại cứng, nặng, có điểm nóng chảy cao và chịu ăn mòn tốt, thành phần thiết yếu trong ngành công nghiệp ô tô.

Với nỗ lực vì một môi trường sạch hơn, các nhà nghiên cứu đã xác định chì là một trong những kim loại cần thay thế trong sản xuất công nghiệp.

Theo Danh mục Ưu tiên 100 Chất nguy hại nhất của Chính phủ Hoa Kỳ, chì bị xếp hạng thứ hai. Thậm chí, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã liệt kê chì vào hóa chất độc hại và đã đưa ra giới hạn ngưỡng về nồng độ trong không khí, đất, nước và thực vật. 

Trong khi đó, Vonfram là nguyên tố hóa học nặng nhất được biết đến có hoạt tính sinh học. Độc tính của nó khá thấp, nhất là khi so sánh với các kim loại khác, tuy nhiên, đây vẫn còn là đề tài đang được nghiên cứu.

Do sự tương tự về mật độ phân tử, vonfram được các nhà nghiên cứu đề xuất là chất thay thế khả dĩ cho chì. Tuy nhiên, bất chấp việc vonfram có mức độ tái chế lớn hơn so với chì, rào cản lớn cho việc thay thế này là vonfram có chi phí lớn hơn và mức gia công khó khăn hơn chì.

Một phương án thay thế khác được các nhà nghiên cứu đưa ra. Composit polime vonfram là hỗn hợp giữa những loại nhựa và bột vonfam khác nhau. Hai thành phần này khi trộn với nhau sẽ tạo ra vonfam dẻo nhiệt, có mật độ vật chất phù hợp với chì.

Vật liệu như thế rất dễ uốn dẻo, không chứa thành phần độc hại và chịu được ăn mòn do yếu tố thời tiết. Bên cạnh đặc tính dễ dàng tạo hình, thì vonfram dẻo nhiệt không gây tác động có hại khi xử lý/chế biến và có thể tái chế mà không có bất cứ tác động xấu nào tới môi trường, điều đó đã biến nó trở thành phương án thay thế khả thi cho chì.

Bên cạnh việc thay thế cho chì, polime vonfram cũng được đề xuất thay thế urani nghèo trong một số ứng dụng. Lý do chính cho việc này nằm ở sự tương đồng về tỷ trọng của urani nghèo và composit vonfram, quan trọng là composit vonfram không gây rủi ro tới sức khỏe.

Đã có những dự báo về các hãng xe đang cố gắng đảm bảo nguồn cung nguyên liệu bằng mọi cách, bao gồm cả việc dịch chuyển cơ sở sản xuất tới các khu vực có nhiều nguồn khoáng sản phù hợp và điều này sẽ tạo nên những sự chuyển dịch đáng kể trong ngành sản xuất ô tô.

“Ban dap” phat trien o to Made in Vietnam
 

Nhu cầu vonfram được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2018, nên giá thành của composit vonfam cũng được dự báo tăng do nhu cầu lớn về giải pháp thay thế cho chì.

Thế nhưng, ngay cả khi điều này xảy ra, các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ không gặp khó khăn bởi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu vonfram lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Núi Pháo là mỏ vonfram lớn với trữ lượng lên tới 65 triệu tấn. Nhà máy sản xuất của Masan Resources hiện đang đạt mức hơn 95% công suất theo thiết kế. Đặc biệt, việc thời gian khai thác mỏ Núi Pháo dự kiến trong khoảng 20 năm, lớn hơn nhiều so với mức trung bình 6 -7 năm của các mỏ vonfram thông thường, có thể thể trở thành “bàn đạp” để Việt Nam phát triển dòng xe 100 Madein Vietnam.

Đã gần hết quý I năm 2018, thị trường ô tô đang nóng lên từng ngày. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cần chủ động nguồn nguyên liệu để cạnh tranh tốt hơn thay vì ngồi chờ Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ ban hành những văn bản phù hợp về thuế nhập khẩu nguyên liệu và áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao.