Bàn cách phân bổ 7.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ hiệu quả
Chiều nay (26/2), phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về phương án sử dụng dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015.
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển, căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung phương án phân bổ vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 và qua khảo sát thực tế, Ủy ban TCNS cho rằng, một số nội dung chưa mang tính thuyết phục cao, còn một số vấn đề cần được làm rõ.
Thứ nhất, căn cứ pháp lý để phân bổ 7.500 tỷ đồng cho một số dự án, công trình nêu trong Tờ trình của Chính phủ cần được xem xét để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của UBTVQH đã ban hành: chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP đã được Quốc hội và UBTVQH quyết định; chỉ bổ sung cho các dự án còn thiếu vốn; bảo đảm tính cụ thể, làm rõ mức độ dở dang, tính chất cấp bách của từng dự án.
Thứ hai, Trong Tờ trình, Chính phủ chưa làm rõ tiến độ hoàn thành, thời gian hoàn thành sau khi được cấp vốn. Như vậy, sẽ thiếu căn cứ để đánh giá hiệu quả và không đủ cơ sở để giám sát việc tổ chức thực hiện sau này.
Chính phủ đề nghị bố trí 3.700 tỷ đồng vốn dự phòng TPCP giai đoạn 2012 - 2015 cho việc xây dựng 2.627 phòng học và 2.658 nhà công vụ cho giáo viên mầm non. Về vấn đề này, Ủy ban TCNS cho rằng, đối với Dự án phòng học cho giáo dục mầm non Chính phủ chưa làm rõ các dự án, công trình phòng học có nằm trong Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2012, cũng như thời gian hoàn thành, số vốn dự kiến phân bổ cho từng công trình.
Tuy nhiên, nếu các công trình trên được Chính phủ giải trình thuộc danh mục đã được Quốc hội phê duyệt và là các dự án đầu tư tại các huyện 30a và các huyện đặc biệt khó khăn được áp dụng chính sách đầu tư như huyện 30a, thì nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc xây dựng phòng học mầm non như Chính phủ trình.
Đối với nhà công vụ cho giáo viên mầm non, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên mầm non vì không nằm trong danh mục đầu tư do Quốc hội quyết định, mặt khác việc đầu tư 2.658 nhà công vụ cho giáo viên mầm non có thể chưa thật sự hợp lý, chưa tiết kiệm nguồn lực so với phương án lấy giáo viên mầm non tại chỗ. Mặt khác, Tờ trình chưa làm rõ phương án bố trí đầu tư 2.658 nhà công vụ này có nằm trong mục tiêu 6 triệu m2 nhà cho giáo viên đã được triển khai hay không.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg, xây dựng Đề án mới, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Về Dự án Đường Trường Sơn Đông, Chính phủ đề nghị bổ sung 800,094 tỷ đồng từ nguồn dự phòng TPCP giai đoạn 2012 - 2015.
Qua khảo sát thực tế, Uỷ ban TCNS nhận thấy, hiện nay, tuyến đường chưa thể đưa vào sử dụng vì có một số đoạn chưa hoàn thành nên chưa thông tuyến, do vậy không phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án Đường Trường Sơn Đông mặc dù đến nay đã hoàn thành khoảng 460 km nối thông tuyến liên tục 5/7 tỉnh giữa tuyến gồm: Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên và Đắc Lăk; 5 quốc lộ ngang gồm: 19, 24, 25, 26 và 29.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, nếu được bổ sung 800 tỷ từ nguồn dự phòng TPCP thì sẽ tăng thêm nguồn lực tài chính cần thiết để có thể hoàn thành đoạn dở dang thuộc tỉnh Quảng Nam (dài 66,2km, từ huyện Thạnh Mỹ tỉnh Quảng Nam đến huyện M’Đắc và một phần huyện Đưng K’Nớ) nối tuyến 400 km, góp phần khắc phục tình trạng dở dang, lãng phí, phát huy hiệu quả tuyến đầu.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, theo Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Dự án Đường Trường Sơn Đông thuộc Danh mục các dự án giãn, hoãn tiến độ thực hiện và đã được bố trí đủ 350 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 theo nhu cầu để thanh toán khối lượng đã thực hiện. Do đó, việc Chính phủ tiếp tục dự kiến bổ sung 800,094 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng TPCP cho Dự án tại thời điểm hiện nay là cần được cân nhắc thêm để bảo đảm tính phù hợp với Nghị quyết mà UBTVQH đã ban hành. Ngoài ra, Tờ trình của Chính phủ chưa xác định rõ tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình.
Đối với Dự án di dân tái định cư cho Thủy điện Sơn La, đây là Dự án di dân phục vụ cho Công trình thủy điện Sơn La. Chính phủ đề nghị bổ sung 2.295 tỷ đồng, trong đó có 2.213 tỷ đồng để thanh toán cho phần tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) do thay đổi chính sách và trượt giá (hoàn trả tạm ứng) và 82 tỷ đồng bổ sung cho việc đầu tư Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La và Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên.
Đa số các ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng, việc bố trí thêm nguồn lực để bù đắp cho các khoản đã chi do thay đổi chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các biến động về giá cả, vật tư, vật liệu, tiền lương... là cần thiết. Việc hoàn thiện cơ sở vật chất cho 02 bệnh viện nhằm phục vụ đồng bào dân tộc là hợp lý. Vì vậy, cần bố trí vốn để thanh toán cho phần tăng TMĐT do thay đổi chính sách và trượt giá (hoàn trả tạm ứng) và 82 tỷ đồng bổ sung cho việc đầu tư 2 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La và Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên).
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, căn cứ pháp lý để phân bổ bổ sung từ nguồn dự phòng TPCP cho dự án này còn có điểm cần cân nhắc thêm.
Cụ thể, đến hết giai đoạn 2012-2015 dự án đã được bố trí đủ 14.335 tỷ đồng vốn TPCP theo đúng tổng mức đầu tư đã được duyệt. Tuy nhiên, sau khi đã được bố trí đủ, ngày 4/11/2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 2009/QĐ-TTg để điều chỉnh quy hoạch dẫn đến tăng tổng mức đầu tư (nhu cầu vốn tăng thêm là 3.081,657 tỷ). Việc Chính phủ điều chỉnh quy mô tăng TMĐT và đề nghị tiếp tục bố trí vốn (2.295 tỷ) sau khi đã được bố trí đủ vốn là chưa hợp lý.
Qua khảo sát cho thấy, khoản bổ sung cho Dự án này là để thanh toán cho phần đã chi (hoàn tạm ứng). Việc chi các khoản không có trong dự toán cũng cần được lưu ý, rút kinh nghiệm. Mặt khác, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ 2.213 tỷ đề nghị được bổ sung sẽ chi cho hạng mục nào, căn cứ pháp lý để bổ sung vốn còn chung chung ( bổ sung 2.213 tỷ để thanh toán cho phần tăng TMĐT do thay đổi chính sách và trượt giá).
Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ xem xét, làm rõ hiện nay còn những công trình nào thực sự cấp thiết, dang dở, còn thiếu vốn để việc bổ sung dự phòng vốn TPCP bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, dùng nguồn vốn cắt giảm của dự án nhà ở công vụ cho giáo viên mầm non để bố trí cho các công trình này.
Nguồn VOV