Bài toán vốn ở Ngân hàng Việt Á
Con đường đến hội sở của Ngân hàng Việt Á (VAB) của người dân Sài Gòn sẽ xa hơn, khi ngân hàng này quyết định di dời trụ sở chính ở Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM - con đường mệnh danh là Phố Wall Sài Gòn - ra... tận Hà Nội. Không chỉ di dời trụ sở, Việt Á cũng dự kiến thay đổi cả thương hiệu nhận diện của Ngân hàng. Những động thái này được xem là bước đi tái cấu trúc giống với Ngân hàng Quốc Dân (Navibank trước đây). Cả hai ngân hàng nhỏ này đều có điểm chung là đang phải gồng mình tái cấu trúc trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn gần 3.100 tỉ đồng, Việt Á đang im lặng bỗng trở nên ồn ào hơn vào dịp cuối năm với hàng loạt thương vụ thoái vốn đầu tư gần như cùng thời điểm. Trong khi đó, có nhiều cơ sở để các cổ đông Việt Á lo ngại về tình hình hoạt động trong năm nay của ngân hàng mình.
Rút lui
Ở thời điểm cuối năm 2014, Việt Á công bố thoái vốn khỏi những cổ phiếu mà ngân hàng này có tỉ lệ sở hữu cao. Trong số đó là 3,99% vốn ở Công ty Cổ phần Đất Xanh (DXG), 11% vốn ở Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN) và 3,91% cổ phần ở Gỗ Trường Thành (TTF). Cuộc rút lui này được xem là khá đặc biệt, vì Việt Á vốn gắn bó với những công ty này đã lâu.
Trước đó, Việt Á đã trở thành cổ đông chiến lược của các công ty nói trên, sau khi nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ở giai đoạn khoảng năm 2012. Và Ngân hàng đều có người đại diện trong các công ty này. Ông Phạm Duy Hưng, cố vấn Hội đồng Quản trị của Việt Á, cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Công viên nước Đầm Sen.
Tại Gỗ Trường Thành, Việt Á có ông Trần Việt Anh, Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro, cũng đồng thời giữ ghế thành viên Hội đồng Quản trị công ty này. Bà Bùi Thị Kim Tuyền, Phó Trưởng phòng Đầu tư Việt Á, giữ vai trò Trưởng Ban kiểm soát Gỗ Trường Thành.
Bên cạnh đó, Việt Á còn có mối quan hệ tín dụng với những công ty nói trên. Chẳng hạn như khoản vay dài hạn 69,4 tỉ đồng với Đất Xanh để đầu tư dự án Sunview Town, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014, hay hạn mức tín dụng 400 tỉ đồng để hỗ trợ cho Gỗ Trường Thành tái cấu trúc trong giai đoạn hiện nay.
Vậy tại sao Việt Á lại quyết định bán cổ phần ở các công ty này? Theo lý giải của Ngân hàng, mục đích là để cơ cấu danh mục đầu tư. Đây cũng là chuyện bình thường, nhất là khi khoản đầu tư không hiệu quả, nhưng việc bán hết cùng lúc liệu có lý do nào khác?
Trường hợp của Gỗ Trường Thành có lẽ dễ giải thích hơn vì công ty này hoạt động không mấy hiệu quả trong vài năm gần đây (lợi nhuận trước thuế của Gỗ Trường Thành đều âm trong năm 2012 và 2013. Nhưng đến quý III/2014, lợi nhuận đã được cải thiện đáng kể, ở mức 65,1 tỉ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Gỗ Trường Thành, việc thoái vốn của Việt Á chỉ là vấn đề “kỹ thuật”. Ông Thành cho rằng động thái của Việt Á là nhằm dọn đường cho quy định mới trong hoạt động tín dụng của ngân hàng (Thông tư 36). “Còn hoạt động cho vay và bảo lãnh tín dụng của Việt Á ở Gỗ Trường Thành vẫn diễn ra như cũ”, ông nói.
Phần vốn này được cho là chuyển giao cho một tổ chức khác thân hữu với Việt Á. Ông Thành cho biết chưa có danh sách chốt cổ đông chính thức cho kỳ họp đại hội cổ đông vào giữa tháng 1 tới, nên chưa thể khẳng định điều này. Nhưng nếu đúng thì việc chuyển nhượng của Việt Á chỉ là hình thức “chuyển từ tay phải qua tay trái”. Cũng cần nói thêm Gỗ Trường Thành thuộc loại cổ phiếu khó có người mua. Công ty này đang gặp khó khăn về tài chính và cả 2 lần phát hành thêm gần đây đều không thành công.
Theo tờ trình báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong Đại hội cổ đông năm 2014, Việt Á cho biết việc đầu tư tài chính không hiệu quả là vì chưa có cơ hội để bán những khoản đầu tư không sinh lời. Gỗ Trường Thành có thể nói là khoản đầu tư không sinh lời của Việt Á. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng với trường hợp của Đất Xanh và Công ty Công viên nước Đầm Sen.
Theo Công ty Chứng khoán MSBS, Đất Xanh thuộc loại cổ phiếu tốt mà nhà đầu tư có thể quan tâm khi triển vọng kinh doanh năm 2015 khá khả quan. Trong khi đó, Công ty Công viên nước Đầm Sen cũng được thị trường đánh giá tốt với thị giá lên đến 60.000 đồng/cổ phiếu. Công ty này cũng đang chuẩn bị chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 16%.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy sau khi vừa thoái vốn trong năm 2014, Việt Á đã ngay lập tức mua vào lại số cổ phiếu DSN của Công ty Công viên nước Đầm Sen trong đầu năm 2015. Phải chăng động thái này nhằm phục vụ cho việc làm đẹp sổ sách cuối năm, hay là lý do “kỹ thuật” như ông Thành nói? Dù là vì lý do gì đi nữa, một điều dễ thấy là Việt Á đang kinh doanh chật vật hơn trong năm 2014 và ngân hàng này đang đối mặt với bài toán vốn nan giải.
Một năm vất vả
2013 là một năm đẹp với Việt Á khi các chỉ tiêu tăng trưởng đều ở mức tốt, từ tổng tài sản, huy động vốn cho đến dư nợ cho vay, đặc biệt là nợ xấu (chỉ ở mức 2,88%). Nhưng đến năm 2014 ngân hàng này dường như không còn duy trì được thế trận, ít nhất là theo báo cáo tài chính hợp nhất (chưa kiểm toán) nửa đầu năm 2014. Điều này thể hiện qua 3 trục trặc lớn của Việt Á. Đó là nợ xấu tăng lên, tăng trưởng huy động vốn bị âm và thất bại trong kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Có thể nói nợ xấu của Việt Á đang quay trở lại. Báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014 không công bố con số chính xác tỉ lệ nợ xấu, nhưng khoản mục Tài sản có khác (nơi chứa đựng các khoản nợ xấu) đã tăng lên đáng kể sau khi giảm đi trong năm 2013. Cụ thể, xét về con số tuyệt đối, khoản mục này tăng lên 20% trong nửa đầu năm 2014; còn xét về con số tương đối, tỉ lệ tài sản có khác trên tổng tài sản đã tăng từ mức 14,3% lên mức 17,5%.
Hoạt động huy động vốn của Việt Á cũng đang có vấn đề khi tăng trưởng âm 17,6% (theo báo cáo nửa đầu năm 2014 của các ngân hàng, chỉ có Việt Á và Eximbank là tăng trưởng âm về vốn huy động nhưng Eximbank chỉ âm 3%). Trong khi đó, dòng vốn huy động là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Có lẽ để giảm áp lực về vốn, Việt Á đã tăng cường đi vay các ngân hàng khác. Bằng chứng là khoản mục đi vay các tổ chức tín dụng khác đã tăng 79,8% so với thời điểm đầu năm.
Trong bối cảnh đó, việc tăng vốn điều lệ để bổ sung nguồn vốn mới cho ngân hàng là bắt buộc, đặc biệt đối với những ngân hàng có nhu cầu tái cấu trúc. Năm 2014, Việt Á đặt kỳ vọng sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỉ đồng, nhưng không thành công. Trước đó, mục tiêu tăng lên mức 3.500 trong năm 2013 cũng không đạt được, trong khi lộ trình tăng vốn của Việt Á là đến năm 2015 phải tăng lên mức 5.000 tỉ đồng, theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông vừa qua.
Vẫn còn một năm nữa để Việt Á giải bài toán vốn này. Và 2015 cũng là năm cuối cùng mà Việt Á đặt ra mục tiêu phải hoàn thành việc tái cơ cấu theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Một phương án khác có thể là hợp nhất hay sáp nhập với ngân hàng khác, theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông. Nếu Việt Á tiếp tục gặp khó, đây có lẽ là kết cục của ngân hàng này.
Nguồn NCĐT