Hoàng Anh Thứ Ba | 06/09/2016 08:30

Bài toán vốn cho cấp thoát nước: Mới giải được phân nửa

Nguồn vốn cho cấp thoát nước đô thị trong 5 năm tới lên đến 10,2 tỉ USD.

Sẽ có một triển lãm quốc tế về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (Vietwater 2016) được tổ chức vào tháng 11 năm nay. Triển lãm dự kiến thu hút tới 400 doanh nghiệp từ 38 quốc gia tham dự.  Con số này cho thấy thị trường cấp thoát nước của Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Thoát nước thì tắc,...

Tuy nhiên, từ lâu, dòng vốn liên quan đến ngành nước vẫn chưa được thông thoáng khi bị tắc ở nhiều khâu. Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn vốn mà Việt Nam cần cho cấp thoát nước đô thị trong 5 năm tới lên đến hơn 10 tỉ USD. Hiện nay, tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam trung bình là 2%/năm. Đến năm 2020, dân số đô thị dự kiến là 44 triệu người, gây áp lực không nhỏ cho ngành nước. Trong bối cảnh “nguồn vốn ODA giảm dần, ngân sách hạn hẹp, việc huy động tài chính cho ngành nước đang gặp khó khăn”, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết.

Lĩnh vực thoát nước dù tiềm năng nhưng còn tồn đọng nhiều rào cản làm chùn chân nhà đầu tư. Trong hóa đơn tiền nước hằng tháng của các hộ gia đình, 10% giá nước sạch được thu cho chi phí bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, người dân không chịu chi trả thêm giá dịch vụ thoát nước sau khi đã trả 10% phí bảo vệ môi trường. Đồng nghĩa với việc không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý mà vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Vì lý do này, đã xảy ra tình trạng nhiều nhà máy xử lý nước thải xây dựng xong nhưng không có nước để xử lý, gây lãng phí nghiêm trọng. Tại tỉnh Bình Dương, một dự án xử lý nước thải do Nhật đầu tư đã phải thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân nhằm tăng cường mức đấu nối vào hệ thống thì mới có được lượng nước thải đáp ứng cho công suất xử lý của nhà máy.

Mặt khác, tỉ lệ lợi nhuận đầu tư cho lĩnh vực này trước nay vẫn được xem là thiếu hấp dẫn. Với mức giá cấp nước hiện nay khoảng 6.000/m3 nước, thì chi phí bảo vệ môi trường chỉ là 600 đồng/m3. Nhà đầu tư không thể mặn mà khi so sánh Việt Nam với môi trường đầu tư của các nước khác, những nơi có giá dịch vụ thoát nước cao hơn giá cấp nước từ 1,5-2,5 lần, đem đến mức lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư. Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), mức phí 10% cần được xem xét để nâng lên theo lộ trình tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương để thành công cụ thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Bai toan von cho cap thoat nuoc: Moi giai duoc phan nua
 

Nếu trước đây, Việt Nam chỉ chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy, nay còn cần phải hoàn thiện đồng bộ chất lượng của toàn hệ thống cấp thoát nước để được nhà đầu tư quan tâm. World Bank và các hình thức hợp tác công tư đã có những hỗ trợ cho ngành nước Việt Nam.

Nhưng trong số 23 dự án lớn về đầu tư và xử lý nước thải Việt Nam công bố thì phần lớn các dự án là hoàn toàn mới chứ không phải cải tạo dự án có sẵn. Vì vậy, mới đây, đoàn thương mại Mỹ gồm 9 công ty trong ngành nước đến thăm và tìm kiếm cơ hội chào hàng công nghệ xử lý nước thải cũng như đào tạo, mà chưa quan tâm đến cơ hội đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Trước đó, một nhà đầu tư Mỹ khác là America LLL tham gia vào thị trường kinh doanh nước sạch tại Việt Nam với tỉ lệ sở hữu 9,03% tại Cấp nước Nhơn Trạch.

...Cấp nước lại thông

Trong khi đó, cấp nước là lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư hơn, nhất là sau khi các doanh nghiệp cấp nước lớn lần lượt cổ phần hóa. Hiện chỉ có khoảng 60% dân số đô thị được tiếp cận nước sạch. Đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, đến năm 2020, dân số thành thị ở Việt Nam sẽ tăng lên 37% (từ 30%), chủ yếu tập trung ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... Sự tăng trưởng này kéo theo những yêu cầu cấp bách về hạ tầng, trong đó có nước sạch.

Trước đây, hai làn sóng đầu tư vào lĩnh vực cấp nước phân cực khi khối ngoại rót vốn dưới hình thức đầu tư tài chính, còn khối nội với các đại diện chính như Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), lấn sân sang khâu sản xuất và phân phối. Trong đó, ngành nước được REE xem là mảng đầu tư dài hạn nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và mang về dòng tiền ổn định sau này.

Bai toan von cho cap thoat nuoc: Moi giai duoc phan nua
Thi công đường ống cấp nước sạch ở Gò Công. Ảnh: tapchitin.net

Hiện tại, REE đang sở hữu 3 nhà máy nước gồm nhà máy B.O.O Thủ Đức (REE giữ 42%), nhà máy Tân Hiệp 2 (32%) và nhà máy Thủ Đức 3 (40%) với công suất 375.000 m3/ngày đêm/nhà máy. Công suất này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 theo quy hoạch cấp nước của TP.HCM. Bên cạnh đó, REE còn có tỉ lệ sở hữu tại 3 đơn vị cấp nước khác là Trung An (TAW), cấp nước Thủ Đức (TDW). Các khoản đầu tư vào ngành nước của REE lại khá hiệu quả, với hoạt động kinh doanh điện và nước dự kiến đóng góp 45% tổng cơ cấu lợi nhuận năm 2016, tương đương 426 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của CII trong năm 2015 không đến từ mảng BT giao thông truyền thống, mà đến từ mảng hạ tầng nước. Cụ thể, CII ghi nhận doanh thu từ mảng hạ tầng nước 420 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2015, ngoài Enviro, CII còn nắm cổ phần chi phối tại các công ty chuyên khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch, như Cấp nước Sài Gòn - Đankia, Cấp nước Sài Gòn - Pleiku, Cấp thoát nước Củ Chi, Nước Sài Gòn - Cần Thơ, Nước Tân Hiệp, Cấp nước Long An, Cấp nước Tân Hòa, Cấp thoát nước Cần Thơ...

Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Manila Water của Philippines đang thể hiện tham vọng bước sâu hơn vào thị trường nước Việt Nam, tham gia cung cấp khoảng 35% lượng nước sạch tại TP.HCM tính đến cuối năm 2015. Mới đây, Công ty công bố khoản đầu tư 4,26 triệu USD trong thời gian tới, thể hiện tham vọng của Manila Water khi mới vào thị trường Việt Nam là đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%/năm tại Việt Nam trong 5 năm tới, sản xuất và phân phối 500 triệu lít nước/ngày cho TP.HCM.

Tính đến nay, cả nước có 795 đô thị với khoảng 31,3 triệu dân. Khu vực đô thị này đang được cung cấp dịch vụ nước sạch từ gần 100 doanh nghiệp cấp nước với tổng công suất khoảng 7,4 triệu m/ngày. Dù đã giảm so với nhiều năm trước, song tỉ lệ thất thoát nước vẫn đang ở mức cao, khoảng 24%.

Thế nhưng, hệ thống đầu ra của nước thải đô thị lại đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Chỉ 12% nguồn nước thải, tương đương 860.000 m đang được 30 nhà máy xử lý mỗi ngày. Phần còn lại được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm hệ thống sông ngòi.

Theo kế hoạch, 40 nhà máy xử lý nước thải đang thiết kế và xây dựng, đặt mục tiêu hoạt động từ nay đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ xử lý được 20% lượng nước thải sinh hoạt. Từ những nhu cầu đó, nguồn vốn cần cho cấp thoát nước trong thời gian tới là 10,2 tỉ USD (3,3 tỉ USD cho cấp nước và 6,9 tỉ USD cho thoát nước). 

Hoàng Anh