Bài toán sống còn ở Vinasun
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa trải qua kỳ đại hội cổ đông đầy căng thẳng. Nhưng mức độ căng thẳng ở Đại hội vẫn không thể sánh được với những âu lo liên quan đến sự sống còn của Vinasun. Tình hình khẩn cấp đến mức ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Vinasun, thừa nhận, các con số về kế hoạch kinh doanh năm nay là vạch ra để có cái đọc trước cổ đông, thực ra kinh doanh ở Vinasun gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Cuộc chiến không cân sức
Dù chỉ có mặt 2-3 năm trở lại đây nhưng Uber, Grab, với lượng xe gấp 3 lần Vinasun, đã đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của hãng xe này. Lần đầu tiên sau 10 năm (2007-2016), Vinasun đạt tăng trưởng doanh thu dưới 2 con số (chỉ 6,2%). Trong khi đó, Công ty ngày càng “trông chờ” vào nguồn thu từ thanh lý xe, với lãi từ thanh lý xe lần lượt chiếm 22%, 33% và 43% tổng lợi nhuận trước thuế trong các năm 2014-2016.
Mặc dù Vinasun vẫn dẫn đầu tại địa bàn TP.HCM (theo thống kê của Hiệp hội Taxi TP.HCM), nhưng dựa trên khảo sát sơ lược, hầu hết khách hàng, đặc biệt là người trẻ, giới văn phòng đều ưa chuộng Grab, Uber. Bởi lẽ, Grab, Uber vượt trội so với các hãng taxi truyền thống về giá, khuyến mãi, dịch vụ, chất lượng xe, tiện ích... Hai hãng này cũng đang hoạt động theo hình thức công ty công nghệ nên tránh được nhiều loại thuế, phí mà các hãng taxi truyền thống phải chịu. Uber, Grab cũng không phải đầu tư cho đội xe, không tốn chi phí bến bãi, lao động, sửa chữa xe... Bằng triển khai thanh toán trực tuyến qua GrabPay, Grab còn tận dụng nguồn tiền từ khách hàng. Với hàng chục ngàn chiếc xe chạy Grab, Uber, có thể thấy nguồn lực mà hai hãng này huy động được từ tái xế và khách hàng là rất lớn.
Vinasun đã ứng phó bằng cách đầu tư ứng dụng công nghệ (Vinasun App), hệ thống tổng đài thông minh, tăng cường giám sát, tăng số lượng và chất lượng xe (như đầu tư thêm 1.357 xe mới, đưa các dòng xe Camry, Fortuner, Lexus vào khai thác), mở rộng khai thác hệ thống điểm tiếp thị trực tiếp, gián tiếp… Nhưng các động thái này vẫn chưa đủ, bởi vấn đề quan trọng nhất là giá vẫn chưa được Công ty giải quyết triệt để. Theo báo cáo của Vinasun, giá cước bình quân năm 2016 của Công ty vẫn trên 15.800 đồng/km, cao so với giá của các đối thủ (8.000-9.000 đồng/km). Mặc dù Uber, Grab có tăng giá cước vào những lúc cao điểm nhưng theo ghi nhận chung, khách hàng vẫn chọn lựa vì được biết trước giá, không phải lo chuyện đồng hồ gian lận, tài xế vẽ đường.
Grab thậm chí còn thử nghiệm mô hình Grabcar chia sẻ. Nếu khách hàng đồng ý đi chung xe với một người khác trên cùng hành trình, họ sẽ tiết kiệm đến 30% so với đi Grabcar thông thường. Với một loạt lợi thế, tiện ích và liên tục cải tiến, Uber, Grab đang làm cuộc cách mạng ngoạn mục trong ngành taxi, thu hút đông đảo khách hàng. Chính lãnh đạo Vinasun xác nhận trước cổ đông, cuộc chiến với Uber, Grab là cuộc chiến không cân sức.
Giải pháp nào cho Vinasun?
Ông Đặng Phước Thành cho biết Vinasun sẽ kiện. Không chỉ kiện với tư cách pháp nhân mà hơn 10.000 lao động Vinasun sẽ cùng tham gia kiện Uber, Grab, kiện các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho hai hãng này có mặt tại Việt Nam, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Việc khởi kiện được xác định sẽ xúc tiến ngay bây giờ.
Vinasun kiện để sân chơi công bằng hơn, để buộc Uber, Grab cũng phải kinh doanh cùng điều kiện như mình. Nhưng các luật sư lưu ý đến khả năng thắng kiện của Vinasun. Bởi Uber, Grab đều đã được cho phép thử nghiệm áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Chuyên gia Trần Bằng Việt cho rằng, khi khách hàng, luật chơi đều đã thay đổi, tiêu chuẩn tham gia cũng đã nâng cao hơn, doanh nghiệp cần thấy rõ đâu là cách làm tiến bộ, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Cuộc chiến đấu của Vinasun nên là trực diện với đối thủ, trực tiếp với khách hàng, chiến thắng nhờ năng lực tự thân hơn là nhờ cậy đến các hỗ trợ, chống lưng phi thị trường.
Vinasun đã tính đến một giải pháp có lợi hơn là giao khoán, nhượng quyền hơn 1.100 xe cho tài xế. Công ty đặt mục tiêu đến tháng 8.2017, có thể chuyển nhượng tiếp 4.000 chiếc. Các tài xế nhận chuyển nhượng có vẻ chưa thích nghi với hình thức này. Theo thông tin NCĐT thu thập được, doanh thu chạy xe mỗi ngày của một tài xế Vinasun cao nhất chỉ khoảng 1-1,2 triệu đồng. Nếu trừ các chi phí xăng xe, sửa chữa và tiền nộp nhượng quyền, tài xế không còn lại bao nhiêu. Các tài xế taxi lại một ngày chạy, một ngày nghỉ nên thu nhập cuối tháng thường không cao, đặc biệt khi so với một tài xế lái xe Uber hay Grab có cùng quãng đường lăn bánh. Tình trạng này khiến nhiều tài xế tính đường hướng khác cho tương lai.
Về phía Vinasun có vẻ đã thấy được vấn đề của mình. Đó là cần thay đổi mô hình sở hữu xe. Thay vì tập trung đội xe vào tay Công ty thì Vinasun có thể bán lại, chuyển nhượng số xe này cho các tài xế, đối tác khác. Thách thức cho Vinasun là trong bối cảnh giá xe đang giảm nhanh, kinh doanh bị cạnh tranh khốc liệt, việc chuyển nhượng xe có thể sẽ không dễ dàng. Bài toán sống còn cho Vinasun, theo ông Trần Bằng Việt, là phải thay đổi cách thức quản lý điều hành xe. Việc duy trì nhiều kênh bán hàng như hiện tại: vừa gọi xe qua tổng đài, vừa đặt online, vừa duy trì điểm tiếp thị… chỉ càng đẩy chi phí vận hành ở Vinasun lên cao.
Xét về hiệu quả, nếu Uber, Grab đạt quãng đường có khách ở tỉ lệ 82% thì Vinasun và các hãng taxi truyền thống đạt mức 50-58%. Ông Trần Bằng Việt nhấn mạnh, Vinasun cần nhìn lại mô hình điều hành của mình. Nếu mô hình cũ không còn hiệu quả, Vinasun nên quyết liệt cắt bỏ, thay đổi, thậm chí chấp nhận đánh đổi, để tối ưu hiệu quả hoạt động.
Làm sao gia tăng hiệu quả, thu hút thêm khách hàng có lẽ là điều Vinasun cần tập trung. Nhà đầu tư vẫn chưa thấy được giải pháp quyết liệt của Vinasun trong câu chuyện này. Phải thế chăng mà giá cổ phiếu VNS của Vinasun tiếp tục lao dốc.
Ngọc Thủy