Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, điều tiết ngắn hạn lượng tiền dư trong thị trường và hạ nhiệt tỉ giá. Ảnh: TL.

 
Ngọc Tâm Thứ Sáu | 15/03/2024 09:25

Bài toán khó về tỉ giá

Điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, điều tiết ngắn hạn lượng tiền dư trong thị trường và hạ nhiệt tỉ giá. Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 14/3, đại diện của các doanh nghiệp đã có những góc nhìn khác nhau về tỉ giá. 

 

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của chúng ta là một trong những nước cao nhất thế giới. 

Về tỉ giá, hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỉ đồng, tương đương 1.500 tỉ USD, do đó biến động và rủi ro tỉ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỉ giá.

“Rất mừng là thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỉ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỉ giá. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để giữ cho tỉ giá ổn định”, đại diện PVN chia sẻ. 

Cũng tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ, đối với tỉ giá, như Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỉ giá cũng mất 300 tỉ đồng, nếu mà 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỉ đồng. Vietnam Airlines rất mong muốn tỉ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tham luận từ góc độ, góc nhìn của ngành kinh tế xuất khẩu cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nhau và có thị trường phát triển.

 

Thứ nhất, so sánh tương quan tỉ giá hối đoái giữa nội tệ các nước xuất khẩu dệt may trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may của thế giới. Trong 2 năm 2022, 2023, sau đại dịch COVID-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ thì đều có xu thế kích thích xuất khẩu.

4 quốc gia kia sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Đứng riêng về tương quan tỉ giá hối đoái, 2 năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong Top 5 cỡ khoảng 15%. Nó cũng là một trong những nguyên nhân 2 năm 2022, 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may.

Ở góc độ là nhà điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp thu các ý kiến, chủ động xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thật tốt chính sách tiền tệ, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp thực chất, hiệu quả.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỉ giá, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (lạm phát năm 2023 là 3,25%, 2 tháng đầu năm 2024 là 3,67%). Năm 2023 đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất huy động và cho vay; tỉ giá cơ bản ổn định. 

Có thể bạn quan tâm 

Những yếu tố nội tại tác động đến diễn biến tỉ giá

Nguồn Theo Báo Chính phủ