Thành phố thông minh tận dụng công nghệ để cải thiện đời sống của người dân và môi trường sống, đồng thời là đòn bẩy để thu hút đầu tư chất lượng cao. Ảnh: Nhà ga Metro Bến Thành, TP.HCM

 
Minh Đức Thứ Ba | 07/01/2025 07:30

Bài toán kép của đô thị thông minh

Động lực của mô hình Thành phố thông minh để phải giải “bài toán kép”: Thiếu hụt lao động và đón sự dịch chuyển của những “đại bàng” công nghệ.

Năm 2020, Thương Huyền, khi đó 24 tuổi, quyết định Nam tiến để tìm cơ hội việc làm trong một cơ sở may mặc ở quận Tân Bình. Tuy nhiên, 2 năm qua, kinh tế khó khăn, cô không có việc làm trong nhiều tháng do Công ty cắt giảm lao động liên tục. Sau thời gian đắn đo, cô quyết định trở về Hà Tĩnh. 

Trong cùng thời điểm, TP.HCM ra mắt Hội đồng Quản lý Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần 4.0 (C4IR). C4IR sẽ thực hiện các dự án thí điểm, nghiên cứu giải pháp ứng dụng chuyển giao công nghệ do doanh nghiệp sáng lập đăng ký với mục tiêu hoàn thiện 6 dự án trong lĩnh vực A.I (trí tuệ nhân tạo), bán dẫn, sản xuất tiên tiến trong 3 năm. Đây là trung tâm thứ 2 ở Đông Nam Á sau Malaysia và thứ 19 trên thế giới tham gia mạng lưới toàn cầu Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Hai câu chuyện trên cho thấy TP.HCM đang gấp rút chuyển đổi công nghiệp thâm dụng lao động sang những lĩnh vực công nghệ cao khi những người như Thương Huyền đang tạo thành làn sóng rời bỏ TP.HCM. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, 2 năm liên tiếp (2022-2023), tỉ lệ tăng dân số cơ học ở thành phố giảm. Trong đó, năm 2023 tỉ lệ tăng dân số là 0,68%, lần đầu tiên thấp hơn tỉ lệ tăng dân số tự nhiên (0,74%). Việc sụt giảm lao động di cư đến TP.HCM đặt ra thách thức cho thành phố này trong việc bảo đảm nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế.

Hai thập niên trước, TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn nhất cả nước nhờ những ưu thế về hạ tầng, việc làm, thị trường, tài chính... Tuy nhiên, gần đây lực hút này bị các địa phương khác cạnh tranh gay gắt. Có thể thấy, các ngành công nghiệp của TP.HCM đang phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động và đã đạt ngưỡng giới hạn. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, so với các đô thị lớn trong khu vực như Kuala Lumpur hay Bangkok, TP.HCM chưa thật sự cho thấy đủ năng lực để cạnh tranh. Các chỉ số đánh giá đô thị toàn cầu đã cho thấy rõ vấn đề này.

Bài toán sụt giảm lao động khiến TP.HCM phải có lựa chọn quyết liệt hơn trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Từ năm 2000 đã dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và doanh nghiệp thâm dụng lao động. Sự ra đời của Khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung là những ví dụ điển hình. Đến năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế số đóng góp gần 15% GRDP của TP.HCM, giá trị sản xuất khu công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỉ USD. TP.HCM cũng lọt vào Top 100 thành phố có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Mới đây, TP.HCM đặt mục tiêu nâng gần gấp đôi tỉ trọng công nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, lên 40% vào năm 2030, tức gần gấp đôi hiện nay.

Ngoài Intel, Samsung, nhiều doanh nghiệp quốc tế và trong nước đang từng bước đầu tư vào ngành bán dẫn vi mạch tại TP.HCM như Microchip Technology, Texas Instruments và Synopsys... Để đón những đại bàng công nghệ này, TP.HCM sẽ tập trung vượt qua 3 thử thách lớn đó là nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế thủ tục hành chính. 

 

Mô hình thành phố thông minh được xem là lời giải cho những bài toán này. Đó là mô hình bằng công nghệ cũng đồng thời giải quyết được dịch vụ công, giao thông hay vấn đề ngăn chặn tội phạm đường phố, môi trường... Ngoài ra, đô thị thông minh cũng có nghĩa là phải xây dựng được những hệ thống giáo dục thông minh, ngôi nhà thông minh... 

Thành phố thông minh tận dụng công nghệ để cải thiện đời sống của người dân và môi trường sống, đồng thời là đòn bẩy để thu hút đầu tư chất lượng cao. Không ít thành phố trên thế giới đã thành công khi theo đuổi con đường này. Ông Kim Young-hwan, Tỉnh trưởng tỉnh Chungcheongbuk-do, cho biết địa phương này có tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ việc làm đứng đầu tại Hàn Quốc (trừ đảo Jeju), nhờ vươn lên thành trung tâm công nghiệp tiên tiến trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, bán dẫn, pin. Khoảng 32 tỉ USD vốn đầu tư được rót vào tỉnh này năm 2023.

Theo kinh nghiệm từ các thành phố quốc tế, đầu tư vào trung tâm R&D, đào tạo nhân sự chất lượng cao, ưu đãi thuế và hợp tác là chiến lược cần thiết để chuyển đổi ngành công nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, xanh và bền vững. Ông Toru Takahashi, Phó Thị trưởng thành phố Osaka (Nhật), cho biết địa phương có chiến lược tăng trưởng các lĩnh vực trọng điểm và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Khi triển khai, họ thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ công nghiệp Osaka và Osaka Innovation Hub. Hai cơ sở này đóng vai trò thúc đẩy đổi mới bằng cách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Có thể thấy, trên con đường tăng trưởng mới của TP.HCM, các kỹ sư biết lập trình, giỏi sử dụng A.I hay kỹ năng trong ngành bán dẫn sẽ thay thế các lao động như Thương Huyền. Nhưng bài toán của TP.HCM lúc này không chỉ là lo việc làm, lo chỗ ở, ăn mặc cho người lao động, mà là làm sao để những kỹ sư này có môi trường làm việc tốt nhất để tăng sức sáng tạo của họ.