Cảng quốc tế Long An. Ảnh: Đại Việt.
Bài toán cảng biển của Bầu Thắng
Cảng quốc tế Long An từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đóng một vai trò hình ảnh rất lớn với diện mạo logistics chung của tỉnh Long An. Trao đổi với NCĐT, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm Group, cho biết: “Tôi làm cảng để thay đổi một vùng đất, phục vụ sự phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung”.
Cho đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này đang có khá nhiều thuận lợi. Long An trong các năm gần đây thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ hưởng lợi từ mạng lưới hạ tầng ngày càng được cải thiện. Tất cả đều muốn chiếm giữ lợi ích tại cửa ngõ phía Tây thành phố, là điểm kết nối thành phố với toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cảng quốc tế Long An hoàn thành giai đoạn 1 đúng tiến độ với 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT, 7 bến sà lan, hệ thống nhà kho, hệ thống bãi container, kho ngoại quan và các công trình phụ trợ khác. Hệ thống kho lưu trữ tại cảng rộng hơn 400.000 m2 đang phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho mặt hàng sắt thép, phân bón, nông thủy sản... khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cảng Long An cũng chính là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.
Khi được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2023, cảng quốc tế Long An sẽ có năng lực tiếp nhận lên đến 15 triệu tấn hàng hóa và 3,5 triệu TEU/năm, tức nằm trong top các cảng quốc tế lớn nhất tại khu vực miền Nam, chỉ đứng sau cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Vị trí của cảng nằm trên sông Soài Rạp, ngay gần khu vực cửa các con sông Rạch Cát đi sâu vào phía Nam Sài Gòn và cửa sông Vàm Cỏ. “Nếu không có cảng, phát triển giao thông đường thủy thì các khu công nghiệp, khu kho vận cũng không thể hoạt động. Khi cảng quốc tế Long An hoạt động, đây sẽ là nơi tập trung hàng hóa nội địa của Long An, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ giao thương trực tiếp từ Long An đi quốc tế”, ông Thắng nhận định.
Mạo hiểm tung hàng chục ngàn tỉ đồng vào bài toán cảng biển, Đồng Tâm đang gặt hái nhiều thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khả quan, tạo ra nhu cầu lớn về hạ tầng khu công nghiệp, văn phòng cho thuê và giao thương hàng hóa. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, trong năm 2021, các doanh nghiệp cảng biển cũng như doanh nghiệp phụ trợ hàng hải phía Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ sau nhiều năm đi ngang.
Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), năm 2022, dự kiến hoạt động vận tải sẽ tiếp tục ổn định, khối lượng hàng hóa tăng khoảng 6%; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 750 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2021.
Tuy nhiên, theo VCCI, chi phí logistics so sánh với GDP của Việt Nam đang ở mức 16,8% so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, Việt Nam cao hơn các nước như Singapore là 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%. Vì vậy, theo ông Thắng, muốn phát triển kinh tế, chi phí logistics của doanh nghiệp phải tiết giảm tối đa. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang thuê kho tại cảng để tập kết nguyên liệu, sơ chế hàng hóa, đóng gói thành phẩm vì giá thuê hợp lý. Ông Thắng lấy ví dụ, một doanh nghiệp xây kho rộng 10.000 m2 nhưng chỉ dùng hết 5.000 m2 thì rất lãng phí.
Trong khi đó, cảng đã làm kho sẵn để doanh nghiệp sử dụng và tiết kiệm tiền bạc hơn rất nhiều. Nhờ gần kho nên doanh nghiệp lên xuống hàng hóa cũng thuận tiện hơn, chi phí logistics được kéo giảm. Việc cắt giảm chi phí sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận kinh doanh.
Cũng theo ông Thắng, trước mắt, cảng Long An sẽ phục vụ các tàu chở hàng xá như phân bón, nông sản, sắt thép... và tiếp tục làm cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, phát triển số hóa, công nghệ. Trong tương lai, cảng Long An sẽ tiếp nhận, phục vụ các tàu chở container, đây là đối tượng khách hàng quan trọng mà cảng hướng tới.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 80% hàng hóa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Dù có vị trí thuận lợi về giao thông với tổng chiều dài đường thủy lên tới hơn 14.826 km nhưng hệ thống logistics tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thể phục vụ cho hàng hóa trong vùng.
Cảng Long An sẽ phục vụ các tàu chở hàng xá như phân bón, nông sản, sắt thép... và tiếp tục làm cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Ảnh: Đại Việt. |
Hiện nay, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận tải nên thường tốn thời gian vận chuyển, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ nhưng chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Hiện nay, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển khoảng 18 triệu tấn hàng nhưng hầu hết số hàng hóa này phải chuyển về các cảng lớn ở TP.HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải mà doanh nghiệp phải gánh thêm cao hơn từ 10-40%.