Bài học tái cấu trúc từ S99
Cuối năm ngoái, giới đầu tư đã bàn tán về câu chuyện ở Công ty Cổ phần Sông Đà 909 (S99), nay đổi tên thành Công ty Cổ phần SCI. Từ chỗ lợi nhuận chỉ vài tỉ đồng mỗi năm (2011-2013), S99 đã công bố mức lãi 21,4 tỉ đồng năm 2014, tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ đạt kết quả kinh doanh bất ngờ, S99 còn tiến hành một loạt thay đổi mang tính lột xác. Đầu tiên, Công ty quyết định chuyển hướng lĩnh vực ngành nghề. Thay vì tập trung vào thi công công trình công nghiệp thủy điện, S99 chuyển sang thi công công trình giao thông hạ tầng. Ông Trịnh Hữu Thảo, nguyên Chủ tịch S99, cho biết đây là ngành có thị trường lớn, cơ hội nhiều, với những dự án BOT và S99 có thể tận dụng được máy móc thiết bị sẵn có. Quan trọng hơn, nếu không rẽ hướng thì trong tương lai, do Sông Đà 9 đã rút vốn khỏi S99, Công ty sẽ không còn công trình thủy điện nào lớn tương tự như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu để làm.
Về tổ chức hoạt động, S99 sẽ đi theo mô hình công ty mẹ - con. Cụ thể, Công ty dự kiến thành lập các công ty con chuyên về từng mảng hoạt động như thi công xây lắp, xuất khẩu lao động. Công ty cũng định tìm kiếm cơ hội kinh doanh thông qua đầu tư góp vốn, mua cổ phần của một số công ty tương đồng với S99 và có tiềm năng. Theo lãnh đạo S99, đây là cách để Công ty gia tăng năng lực.
Có thể thấy sau khi huy động thành công 245 tỉ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu vào đầu năm nay, S99 đã thực hiện một số hoạt động đầu tư. Công ty đã mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu PCT của Công ty Vận tải Dầu khí Cửu Long để trở thành cổ đông lớn, nắm hơn 10% vốn điều lệ tại đây. Hay từ chỗ chỉ sở hữu 1,92% vốn điều lệ ở Công ty Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (SCI), tháng 4 vừa qua, Công ty liên tục gom mua để nắm giữ 22,9% vốn điều lệ SCI.
Nhưng thay đổi mạnh mẽ là Công ty đã tiến hành thanh lý các tài sản không sinh lời, không phù hợp với chiến lược. Nhờ các khoản thu từ bán trụ sở, chuyển nhượng quyền sở hữu một số lô đất, căn hộ, thanh lý các tài sản ngắn hạn... mà S99 đã đạt lãi đột biến.
Nhìn trên mục tiêu doanh thu năm 2015 tăng gấp 3 lần, lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ, có thể thấy ban lãnh đạo S99 rất trông đợi vào chiến lược tái cấu trúc của Công ty. Tuy nhiên, những biến động về nhân sự cấp cao ở S99, với 4 lần thay đổi Chủ tịch, 3 lần thay Tổng Giám đốc chỉ trong vòng một năm rưỡi đã khiến nhà đầu tư ít nhiều lo ngại. 6 tháng đầu năm nay, S99 chỉ đạt được 20% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Dù sao S99 mới chỉ bắt tay sắp xếp lại hoạt động trong hơn 1 năm. Với thời gian ngắn ngủi đó, việc S99 có thể đưa ra một loạt giải pháp cải tổ đã làm nhà đầu tư rất ngỡ ngàng.
Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng khi muốn sắp xếp lại hoạt động, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường sẽ triển khai nhanh và uyển chuyển. Đây là sự khác biệt, cũng là điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình làm mới mình. Trường hợp của S99 là ví dụ.
Thông thường các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ xắn tay sắp xếp lại hoạt động khi rơi vào khó khăn. Đó là khi hoạt động bán hàng của công ty bị chậm lại, doanh thu sụt giảm, công nợ gia tăng, giá chứng khoán giảm, đánh mất các cơ hội kinh doanh... Tuy nhiên, theo ông Robert Trần, doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần phải đợi đến lúc có vấn đề mới tính chuyện thay đổi, mà nên tinh chỉnh lại hoạt động mỗi ngày. Đó có thể là điều chỉnh lại đôi chút về kinh doanh, sắp xếp lại bộ phận kế toán, làm việc với nhà cung cấp… Khi chủ động điều chỉnh như vậy, doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Từ thực tiễn kinh doanh, các công ty sẽ biết mình cần triển khai các điều chỉnh theo hướng nào. Đó có thể là chiến lược thoát hiểm bằng thị trường ngách như Công ty Cơ điện Toàn Cầu đã đi; hay thay đổi lại mô hình tổ chức như Công ty Nông dược HAI (lập thêm công ty bất động sản, thành lập chi nhánh ở Thanh Hóa, sẽ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới…) đang triển khai nhằm tận dụng các cơ hội từ thị trường. Hay Nhựa Tiền Phong đã tiến hành đầu tư cải tiến sản phẩm và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngọc Thủy