Mai Hân Thứ Sáu | 18/05/2018 07:30

Bài học startup từ Hàn Quốc

Daniel tiêu biểu cho một thế hệ startup mới đang phát triển khá mạnh tại Hàn Quốc và được chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Tại quán cà phê khởi nghiệp, Daniel Joo nổi bật với chiều cao gần 1,8m đúng chuẩn mẫu nam Hàn Quốc vẫn hay xuất hiện trên màn ảnh. Daniel trông trẻ hơn tuổi 40 và hiện là giám đốc một công ty startup, đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ươm mầm doanh nghiệp trẻ 

Daniel Joo, vốn là một nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc, được bác sĩ yêu cầu uống đủ lượng nước trong một ngày để đảm bảo sức khỏe. Nhưng vì tính hay quên, nên anh thường không thực hiện đúng theo yêu cầu. Anh quyết định tạo ra một bình nước có thể nhắc nhở mình đúng giờ và uống đúng lượng nước bằng việc áp dụng công nghệ.

Daniel đặt tên cho sáng kiến của mình là “bình nước thông minh” vì có rất nhiều tiện ích. Người sử dụng chỉ cần tải ứng dụng vào điện thoại và sau đó nhập chiều cao, cân nặng và bình sẽ tính toán lượng nước sử dụng hằng ngày, thông báo thời gian cần uống nước đến điện thoại.

Ngoài chức năng đo lượng nước, ly nước này còn cho khả năng tự làm nóng cà phê trong ly đến nhiệt độ mà người dùng mong muốn, giữ đúng nhiệt độ cho cà phê trên 90 phút. Ngoài ra, người dùng còn có thể đặt cà phê trước khi đến quán lấy bằng cách ấn vào nút trên ly. Thông qua hệ điều hành, truyền thông tin nhắc nhở người dùng qua Bluetooth nên tỏ ra rất thích hợp với người dùng.

Công ty Eightcups của Daniel Joo ra đời cuối năm 2015, với kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành công nghiệp internet. Daniel tiêu biểu cho một thế hệ startup mới đang phát triển khá mạnh tại Hàn Quốc và được chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc gia này.

Các khoản rót vốn, đầu tư mạo hiểm cho startup ở Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện từ năm 2010, tăng mạnh từ năm 2014. Trước đó, từ năm 2010-2014, mỗi năm, hệ sinh thái Hàn Quốc nhận từ 10-75 triệu USD. Kể từ năm 2014, con số này tăng vọt lên 949 triệu USD, cán mốc 1,8 tỉ USD năm 2015. Mặc dù sau đó nguồn vốn có giảm nhưng nhiều mô hình khởi nghiệp vẫn phát triển mạnh, được Nhà nước đầu tư khá bài bản.

Lợi thế mạnh nhất của startup nước ngoài là họ làm nghiên cứu phát triển trước (R&D) rồi mới khởi sự kinh doanh. Startup Hàn Quốc thường nghiên cứu từ 2-3 năm, sau đó họ được các giải thưởng quốc tế rồi mới bắt tay vào đầu tư, gọi vốn. “Họ làm nghiêm túc bài bản, nhắm đúng xu hướng, thị hiếu của khách hàng rồi mới triển khai sản xuất hoặc hợp tác phát triển sản phẩm. 

Trong khi startup Việt thường thiếu khâu R&D, thậm chí cũng không nghĩ đến việc đăng ký bản quyền”, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Retail & Franchise Asia, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chương trình Sihub 2020, chia sẻ.

Cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc thu hút một lượng lớn và đa dạng nhà đầu tư, bao gồm những quỹ nội, công ty đầu tư từ thung lũng Silicon, các quỹ liên doanh... 

Các đơn vị trong đó là các nhà đầu tư liên tục như Samsung, Altos Ventures, SoftBank Ventures Hàn Quốc, Formation 8, 500 startups... Samsung, LG, Hyundai bày tỏ tham vọng lớn thông qua việc đầu tư cho các startup. Chẳng hạn, Naver là công cụ tìm kiếm hàng đầu của Hàn Quốc mới ra mắt thành công startup riêng với lượng tiếp cận toàn cầu.

Bai hoc startup tu Han Quoc
 

Nhiều nguồn tìm vốn

Đầu năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In chia sẻ với báo chí nước này: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp thay đổi nền kinh tế già cỗi, bị chi phối bởi các tập đoàn gia đình Hàn Quốc”. Từ khoản 7,5 tỉ USD thuộc ngân quỹ của nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và startup năm 2018, Chính phủ Hàn quốc đã bơm 412 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp và mô hình kinh doanh mới. Tại Hàn Quốc, hiện có 3 cách gọi vốn cho startup thành công.

Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra một nguồn vốn, rót từ trên xuống theo từng cấp. Đến cấp cuối cùng, một phần nhỏ của các nguồn hỗ trợ này sẽ đến thẳng các startup được lựa chọn trong chương trình. Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ phổ biến nhất của chính phủ hoạt động theo xu hướng góp vốn. Cụ thể, dự án cần tổng ngân sách 50.000USD (hoạt động trong 6 tháng). Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% bằng hình thức cho vay không lãi hoặc cấp vốn bằng tiền mặt không lấy lãi. Còn lại 10% do startup đầu tư tiền mặt, 20% sẽ là tài sản của startup, đến từ vốn chủ sở hữu từ công của người đó, nghĩa là người này sẽ không được trả lương.

Với tổng cộng 50.000USD ngân sách, startup có thể sử dụng số tiền này để tạo nên các sản phẩm khả dụng tối thiểu, tung ra sản phẩm, mua trang thiết bị... khoản cấp vốn này là bước đệm để startup có thể bắt đầu tạo nên các dịch vụ và sản phẩm. Với thời gian là 1 năm, startup có thể thử nghiệm ý tưởng của mình và xác định kết quả nhanh chóng.

Jason Minkee Kim, nhà sáng lập của 2 startup và đang làm việc tại ActnerLab, một quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp, chia sẻ, sau khi nhận được hỗ trợ của chính phủ 35.000USD, anh đã có thể tạo một sản phẩm và có đủ vốn để hoạt động trong 6 tháng trước khi nhận được các khoản đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, cách làm này mất thời gian và bị kiểm soát rất chặt từng chi phí để đảm bảo tiền của chính phủ không mất đi đâu.

Các startup còn một cách tìm nguồn vốn từ chính phủ nhưng với tư cách là công ty mạo hiểm. Theo đó, các cơ quan xúc tiến, viện và trường đại học trong khu vực sẽ tổ chức đấu thầu các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Sau đó, chính phủ tổ chức một chương trình để các startup nộp hồ sơ xin cấp vốn và bắt đầu quá trình lựa chọn với hai phần. Đầu tiên là xem xét đơn xin cấp hỗ trợ và phần thứ 2 là để một nhóm các cựu doanh nghiệp, những luật sư về bằng sáng chế, các giáo sư... đánh giá và lựa chọn ra một danh sách các đơn xin cấp vốn, sau đó một nhóm khác sẽ đánh giá rồi đưa ra lựa chọn cuối cùng. 

Sau khi lựa chọn ra những startup, chính phủ sẽ ký hợp đồng với những nhà thầu giành chiến thắng và lựa chọn ra startup. Phần còn lại của chương trình sẽ do các nhà thầu hoàn tất và báo cáo lại với chính phủ khi chương trình kết thúc. Trong những chương trình này, không một ai thuộc nhóm các công ty đầu tư mạo hiểm, cơ quan xúc tiến hoặc cá nhân có thể sở hữu vốn của những startup này.

Bên cạnh đó, các startup có thể tìm nguồn tài chính từ chương trình Vườn ươm công nghệ cho startup (TIPS). Đây là chương trình được thành lập để xác định và hỗ trợ các startup tiềm năng nhất. Các startup được lựa chọn sẽ được nhận các nguồn vốn kết nối lên tới 500.000USD từ chính phủ và có thể nhận một khoản vốn hỗ trợ thêm lên tới 200.000USD, tùy theo số tiền startup đó đã được nhận của chính phủ trước khi được lựa chọn là bao nhiêu.

Để được hỗ trợ từ chương trình này, một số quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ quan xúc tiến được phép đưa ra đề xuất danh sách các startup để TIPS lựa chọn. Sau đó, những công ty này đều được Hiệp hội Korea Business Angels Association xem xét hồ sơ. Sau khi qua được vòng đánh giá, Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc sẽ ký hợp đồng với công ty đầu tư mạo hiểm và cơ quan xúc tiến (đầu tư vào startup đó) và cả startup. Khoản tiền 500.000USD sau đó sẽ được trao cho startup để sử dụng trong vòng 2 năm.

Hầu hết các startup hiện nay đều xuất phát từ công nghệ và chủ yếu dựa vào công nghệ để phát triển. Ngoài Daniel còn có Sang Kug Jung, startup Myggum, ứng dụng công nghệ vào ngành bán lẻ; và chị Victoria, startup sách online Victoria Production đã đến Việt Nam. Được sự hướng dẫn của các mentor tại Việt Nam cùng với các hoạt động hỗ trợ từ phía Sihub, 3 startup Hàn Quốc đang thương thảo với các đối tác Việt Nam để lấn sân vào thị trường này.

Startup đang nở rộ ở nhiều nước. Với mục đích kết nối các startup, tổ chức Sihub của Việt Nam cùng startup các nước Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Đức tạo sân chơi cho các startup. Theo đó, các startup Việt Nam và nước ngoài sẽ có dịp tìm hiểu thị trường, kết nối mentor, nhận sự hướng dẫn để hoàn thiện dự án và tiếp xúc nhà đầu tư. Từ tháng 4.2017, các startup Việt Nam được tuyển chọn để đến tháng 10.2018 sang Hàn Quốc. Để được tuyển chọn, những startup Việt phải có giải pháp, sản phẩm sáng tạo, có tiềm năng phát triển tại thị trường quốc tế, khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, có tư duy và tầm nhìn quốc tế.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và điều hành Công ty Retail & Franchise Asia, tham gia cùng các đội ngũ startup khắp nơi trên thế giới giúp startup Việt Nam có được tư duy toàn cầu khi khởi nghiệp. Khi các bạn thay đổi tư duy như vậy, thì startup Việt Nam mới có thể nâng lên một tầm mới. Đó chính là cách startup các nước và Hàn Quốc đang đi để tiến nhanh hơn.