Bài học Parkson: Đừng quá lạc quan!
Những ngày cuối tháng 4, người dân TPHCM lại có dịp háo hức khi khu Nam Sài Gòn tiếp tục đón nhận thêm một trung tâm thương mại lớn là SC Vivo City. Dự án này là kết quả từ quá trình liên doanh giữa Mapletree (Singapore) và nhà bán lẻ Saigon Co.op. Với tổng diện tích lên tới 62.000 m2, SC Vivo City sẽ mang đến cho người dân cơ hội tiếp cận với những dịch vụ bán lẻ hiện đại cùng các sản phẩm từ những thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế.
Năm ngoái, tập đoàn bán lẻ của Nhật là AEON cũng nhanh chóng tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam khi khai trương 2 trung tâm thương mại quy mô lớn tại TP.HCM và Bình Dương. Kèm theo đó là những đánh giá lạc quan về tiềm năng của thị trường 90 triệu dân cùng viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế.
Nhưng trong khi các tay chơi mới nô nức gia nhập thị trường, thì cũng có những người cũ phải nếm trải cảm giác buồn bã. Một trong số đó là tập đoàn Parkson Retail. Gia nhập thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam khá lâu, từ năm 2005, Parkson đã lần lượt cho ra đời hàng loạt trung tâm mua sắm ở những khu sầm uất nhất tại TP.HCM và Hà Nội. Nhưng kết quả kinh doanh thời gian gần đây tại Việt Nam của tập đoàn này chưa tăng trưởng theo đúng kỳ vọng.
Trong quý I của năm tài chính 2015 (từ tháng 7-9.2014), Parkson ghi nhận doanh thu giảm 5,5% ở thị trường Việt Nam. Quý tiếp theo, xu thế tiếp tục giữ nguyên và kéo theo mức lợi nhuận ròng toàn Tập đoàn trong nửa đầu năm tài chính 2015 giảm 28,2%. “Môi trường kinh doanh tiếp tục gây khó khăn bất chấp nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi”, Parkson giải trình với cổ đông về kết quả kinh doanh ở Việt Nam.
Ngay đầu năm 2015, Parkson đã quyết định đóng cửa trung tâm thương mại tại tòa nhà Keangnam Landmark (Hà Nội). Ðây được xem là một hành động bất ngờ nhưng hợp lý nhằm tái cấu trúc lại bộ máy hoạt động của Parkson.
“Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra. Chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của đối tác cũng phải chịu những khoản lỗ cho đến nay”, thông báo của Parkson nói rõ.
Đứng ở góc độ của một nhà quan sát, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Ðiều hành Công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam, cho rằng thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang trong giai đoạn trưởng thành và cần có thời gian để ổn định. Theo vị này, các trung tâm thương mại sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều những mô hình bán lẻ khác như siêu thị, nhà hàng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở những thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ và cách thức hoạt động, mà còn nằm ở yếu tố loại hàng hóa nào phù hợp với thị trường này.
“Người tiêu dùng Việt Nam rất chú trọng tới vấn đề giá cả. Sẽ rất thú vị để chờ xem mô hình bán lẻ nào sẽ thành công tại đây”, ông Griffiths chia sẻ với NCĐT.
Trong quý I/2015, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, đã tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, liệu tỉ trọng đóng góp của mảng bán lẻ hiện đại và các trung tâm thương mại là bao nhiêu?
Nhìn sang các quốc gia khác, có thể thấy tiềm năng của các trung tâm thương mại tại Việt Nam còn khá lớn. Nghiên cứu vào năm 2013 của Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho thấy, tỉ lệ diện tích trung tâm thương mại bình quân theo đầu người ở Hà Nội và TP.HCM mới chỉ đạt khiêm tốn 0,07 m2. Con số này thấp hơn khá nhiều so với Kuala Lumpur (0,53), Jakarta ( 0,52), Bangkok (0,59) hay Manila (0,43).
Nhưng, Việt Nam là một đất nước có thu nhập bình quân trên đầu người chỉ mới đạt ngưỡng 2.000 USD/năm và hầu hết vẫn sống ở nông thôn. Việc người tiêu dùng khắt khe khi lựa chọn sản phẩm và dịch vụ bán lẻ cho phù hợp với túi tiền, vì thế, cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng chú trọng nhiều vào các sản phẩm ăn uống, không gian giải trí, khu vui chơi trẻ em… Tất cả những khía cạnh này đòi hỏi sự điều chỉnh khéo léo trong mô hình thiết kế của các trung tâm thương mại nhằm lôi kéo được khách hàng. Sức ép cạnh tranh giữa những tay chơi cũ và mới, vì thế, ngày càng khốc liệt.
Chỉ cần dạo quanh một vòng quận 7, TP.HCM, là có thể nhìn thấy một loạt các trung tâm mua sắm cao cấp nằm kế cận nhau như Crescent Mall, Parkson Paragon, Lotte và giờ có thêm SC Vivo City. Cách đó không xa, ở quận 1, sẽ dễ dàng bắt gặp các khu thương mại lớn như Diamond Plaza, Vincom Center, Union Square, Zen Plaza, Parkson Saigon Tourist, Time Square, Bitexco Financial Tower… Tổng quy mô các trung tâm thương mại hiện đã chiếm tới 60% mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM, theo tính toán của NCĐT từ số liệu trong báo cáo của Savills Việt Nam.
Rõ ràng, chiến lược kinh doanh của tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước là dài hạn vì vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Nếu họ không có mô hình hoạt động và phương cách quản trị hiệu quả, nguy cơ thua lỗ cũng sẽ không hề thấp, nhất là nếu những thẩm định ban đầu quá lạc quan.
Liệu đang có một niềm tin hứng khởi “thái quá” ở tiềm năng thị trường bán lẻ Việt? “Việt Nam bị bao phủ bởi các dự án thất bại vì những đánh giá thiếu cẩn trọng, hoặc tập trung vào các phân tích ngắn hạn. Còn những nhà đầu tư lớn toàn cầu, họ hiểu được các chu kỳ bất động sản và đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh để mang lại lợi ích dài hạn”, đó là bình luận của ông Troy Griffiths, Savills Việt Nam.
Sơn Thanh