Nhớ lại thời kỳ vàng son, Bông Bạch Tuyết phát triển thần tốc tưởng chừng không có gì cản nổi. Ảnh: Quý Hoà.

 
Thanh Hương Thứ Năm | 08/06/2023 07:30

Bạch Tuyết tỉnh giấc

Sau cú vấp ngã tưởng chừng không thể gượng dậy nổi, khoảng 3 năm trở lại đây, Bông Bạch Tuyết đang từng bước lấy lại phong độ.

Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết đang dần trở nên tự tin khi đưa ra mục tiêu doanh thu năm 2023 tăng hơn 10%, lên 184,4 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng lên 5,45 tỉ đồng, cao gấp 3,4 lần năm trước với sản phẩm trọng tâm là bông tẩy trang và khẩu trang.

Cú trượt dốc 

Sự tự tin này là có lý do. Có thể thấy kết quả kinh doanh năm 2022 của Bông Bạch Tuyết khá tích cực với doanh thu 167 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,62 tỉ đồng. Đây là một kết quả đáng mừng vì so với thời điểm thảm hại của hơn 10 năm trước, khi Bông Bạch Tuyết tưởng chừng bị xóa sổ khỏi thị trường.

 

Trong năm 2022, một trong những dự án đầu tư trọng điểm của Bông Bạch Tuyết là dự án “cải tiến công nghệ nấu bông” thay đổi quy trình sản xuất từ công nghệ cũ sang công nghệ mới nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, rút ngắn quá trình sản xuất, tăng năng suất, giảm tỉ lệ lỗi ở công đoạn sản xuất. Về chiến lược thị trường, Bông Bạch Tuyết đã trở lại ngoạn mục khi bước được một chân sang thị trường Campuchia với nhiều sản phẩm bông chăm sóc da Calla, khẩu trang y tế, tăm bông... Nhằm nhanh chóng lấy lại danh tiếng tại thị trường nội địa, đầu năm 2022, Công ty đã đầu tư showroom riêng nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm.

Nhớ lại thời kỳ vàng son, Bông Bạch Tuyết phát triển thần tốc tưởng chừng không có gì cản nổi. Thậm chí, khủng hoảng tài chính khu vực ở châu Á năm 1997 lại giúp Công ty chiến thắng vang dội khi tận dụng nguồn lực tài chính dồi dào, mạnh dạn nhập khẩu một lượng bông lớn, đủ sản xuất cho cả năm. Suốt giai đoạn 1997-2002, sản phẩm bông y tế của Công ty chiếm tới 90% thị phần cả nước, còn thị phần băng vệ sinh là 30%.

Cuối năm 1997, Bông Bạch Tuyết được cổ phần hóa với vốn điều lệ 11,4 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Đến tháng 3/2004, Công ty lên sàn Chứng khoán TP.HCM. Không lâu sau, trước làn sóng cạnh tranh ồ ạt, Công ty bắt đầu sa lầy vào thua lỗ và càng đầu tư mạnh lại càng lỗ nặng, đặc biệt là đầu tư tốn kém cho công nghệ mới. Bởi xu hướng tiêu dùng lúc đó đã chuyển sang băng vệ sinh mỏng, mềm thì các sản phẩm mới của Bông Bạch Tuyết lại dày, cứng nên không được ưa chuộng. Hàng chất đầy kho, không bán được khiến Công ty chỉ còn vốn cố định, không còn vốn lưu động và phải phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của ngân hàng.

Lúc này, Bông Bạch Tuyết chỉ chiếm hơn 60% thị phần, còn băng vệ sinh tụt thê thảm còn khoảng 3% thị phần. Đầu năm 2009, hơn 6,84 triệu cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trở lại đường đua 

Kể từ năm 2014, Công ty bắt đầu có lợi nhuận, dù không đáng kể. Chia sẻ với cổ đông, bà Võ Thị Bích Thúy, Tổng Giám đốc Bông Bạch Tuyết, thừa nhận giai đoạn khó khăn vừa qua đã khiến các công ty khác vươn lên giành thị phần. Hiện Công ty đã tái cấu trúc, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán hết nợ gốc nên doanh thu và lợi nhuận phục hồi theo từng năm. Cũng theo bà Thúy, giai đoạn 2014-2017, các khoản lỗ đã hết, Bông Bạch Tuyết có lợi nhuận trở lại, cùng với đó là thị phần đã tăng 20-30%.

Sau khi quay lại thị trường, Bông Bạch Tuyết tập trung trở lại vào ngành hàng bông băng y tế, tạm dừng cuộc đua vào thị trường băng vệ sinh tuy hấp dẫn nhưng phải đối đầu rất khốc liệt với các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài là Kotex, Diana, Laurier, Whisper. Hiện doanh thu từ mảng bông băng y tế chiếm đến 65% tổng doanh thu.

 

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Công ty còn phát triển thêm các sản phẩm phục vụ sắc đẹp của phái nữ như bông tẩy trang Merilynn, khẩu trang Meriday... Nhưng về cơ bản, các dòng sản phẩm phục vụ y tế và sức khỏe vẫn đang là chủ lực khi đã có thương hiệu, dễ sản xuất và không phải tốn quá nhiều chi phí marketing, trong khi các đối thủ chính trong phân khúc này như Thành Tín, Liên Hiệp, Niva, Hiệp Hưng... vẫn chưa thực sự nổi bật.

Một điểm mạnh khác của Bông Bạch Tuyết là hệ thống phân phối phủ khắp cả nước, thông qua hệ thống nhà thuốc, bệnh viện cũng như xuất hiện trên kệ của các siêu thị, trung tâm thương mại Saigon Co.opmart, Aeon Mall, WinMart, Simply Mart, One Shop (thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè).

Nhìn chung, nếu công cuộc tái cấu trúc tài chính được thực hiện quyết liệt hơn nữa thì với thương hiệu và năng lực sản xuất sẵn có, Bông Bạch Tuyết có lẽ đủ sức để quay trở lại đường đua. Theo Euromonitor (ở thời điểm năm 2014, khi Bông Bạch Tuyết mới đầu tư trở lại), thị trường bông băng ở Việt Nam còn rất phân mảnh khi các thương hiệu nhỏ vẫn chiếm tới 59%. Dân số đông, tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn, hệ thống bệnh viện ngày càng mở rộng, cũng như nhu cầu tân trang sắc đẹp của phụ nữ sẽ mang lại cơ hội cho các hãng bông băng, tăm bông và gạc y tế.

Đáng chú ý, tại Đại hội cổ đông năm 2017, Bông Bạch Tuyết đã có nhà đầu tư mới là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế). Quyết định tham gia vào Bông Bạch Tuyết của Unimex Huế phần nào thể hiện rõ chiến lược thâu tóm của nhóm các nhà đầu tư bên ngoài khi thấy hiệu quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đang dần cải thiện và quan trọng là công ty này sở hữu quỹ đất có vị trí tốt.

Điển hình là dự án khu nhà ở Nguyễn Văn Săng (Tân Phú) mới đây đã nhận được  chấp thuận. Dự án có tổng diện tích hơn 5.000 m2 được dự kiến ban đầu là sẽ phát triển thành khu compound khép kín. Bên cạnh đó là mặt bằng tại số 550 Âu Cơ (quận Tân Bình), cùng sở hữu 16.000 m2 nhà xưởng, kho chứa ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh).

Có thể bạn quan tâm:

Vận may của Thượng Đình