Dân trí

 
Hải Vân Thứ Năm | 09/11/2017 08:24

Ba yếu tố khiến lãi suất quý IV khó giảm

Chênh lệch giữa đầu vào và ra của hệ thống ngân hàng đang ở mức thấp so với khu vực, chỉ 2,2 đến 2,4%

Trong quý IV năm nay, Chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, nói rằng khả năng giảm lãi suất là “rất khó”, bởi ba yếu tố.

Thứ nhất, nhu cầu huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng lên để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cả năm, cũng như đáp ứng nhu cầu về thanh khoản cuối năm.

Thứ hai, xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có thời gian và lộ trình nhất định.

Thứ ba, hiện nay không thể giảm lãi suất đầu vào. Nếu cố tình giảm lãi suất đầu vào, người dân sẽ phải thay đổi kênh đầu tư.

Tiến sĩ Lực cho rằng lãi suất không phải yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế hiện nay. Bởi vì, do lãi suất của Việt Nam hiện nay đã ở mức khá thấp, tương đương năm 2005 -2006. Lãi suất thực của Việt Nam hiện nay, sau khi trừ đi yếu tố lạm phát, đang tương đương mức trung bình so với khu vực.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang được nới lỏng, vị chuyên gia từng có thời gian làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng “phải thận trọng và chặt chẽ hơn”.

Nới lỏng tiền tệ luôn có hai mặt, theo Tiến sĩ Lực, một mặt là thúc đây tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác, có những hạn chế liên quan đến lạm phát, liên quan hiệu quả đầu tư của dòng vốn, đồng thời gây khó khăn trong phối hợp chính sách để kiểm soát giá cả trong nền kinh tế, thậm chí, có thể gây hệ luỵ về lâu về dài ổn định kinh tế vĩ mô.

GDP quý III đã tăng đột biến lên mức 7,64%. Tuy nhiên, các động thái chính sách nằm đạt được mục tiêu 6,7% cho cả năm 2017 đã khiến các tổ chức tài chính quốc tế tỏ rõ những quan ngại.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s tuần trước khi thông báo nâng triển vọng hệ thống ngân hàng của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới, đã nhận xét: Đà tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ là cơ sở tích cực cho các ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản.

Dù vậy, Hãng xếp hạng của Mỹ cũng cảnh báo, việc tăng trưởng tín dụng nhanh, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ thả lỏng, có thể làm tăng rủi ro tài sản.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hồi cuối tháng 9 khi công bố Báo cáo cập nhật tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 đã rất lo ngại về những rủi ro khi Việt Nam kích thích tăng trưởng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo ADB, những nỗ lực của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Những tháng trước đó, Ngân Hàng Thế Giới (WB) và IMF cũng lần lượt đưa ra những quan ngại về rủi ro ổn định tài chính, khi Việt Nam có dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng chỉ tiêu tín dụng lên 21% là một ví dụ.