Thứ Tư | 25/12/2013 09:49

Ba yếu tố điều hướng dòng vốn

Ổn định giá trị VND đã mang lại nhiều kết quả cho nền tài chính đang từng bước được củng cố, hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng hợp lý.
Trong phát biểu cuối năm 2013 của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, vấn đề ổn định giá trị VND đã mang lại nhiều kết quả cho nền tài chính đang từng bước được củng cố, hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Năm 2013, mặc dù mức độ khó khăn của hệ thống ngân hàng khác biệt so với năm 2012, nhưng tồn tại như hàng tồn kho gây áp lực đẩy tình trạng nợ xấu thêm phức tạp. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng năm qua không thể không kể đến sự hội tụ trong điều hành chính sách tiền tệ và độ trễ phát huy hiệu quả tích cực của chính sách trong 6 tháng cuối năm 2013.

Trên phương diện điều hành, kết quả thứ nhất là các biện pháp sử dụng công cụ CSTT đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu, duy trì tăng trưởng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu. Trong đó, lãi suất giảm 50% so với hai năm trước đã tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Các ngân hàng hiện đã không còn chạy đua lãi suất huy động như hai năm trước, đường cong lãi suất đang được thiết lập hợp quy luật khách quan. Rõ nét nhất là trong những tháng cuối năm 2013, các ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm trên 12 tháng cao hơn so với lãi suất dưới 6 tháng, đáp ứng vốn tín dụng cho đầu tư dài hạn, đầu tư chiều sâu nhằm cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất huy động ngắn hạn giảm, song tiền gửi của dân cư vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Điển hình, tổng tiền gửi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cuối năm 2013 đã lên đến trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với 12 tháng trước đó. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư có mức tăng cao nhất (18%) và chiếm tỷ trọng 57% trong tổng tiền gửi của các TCTD trên địa bàn.

Thứ hai, khi niềm tin giá trị ổn định VND được củng cố, tỷ giá VND/USD ổn định liên tục trong năm 2013, DN không còn đối mặt với “rủi ro tỷ giá” trong phương án sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của các DN. Sự nhịp nhàng giữa cặp tỷ giá và lãi suất thời gian qua đã tạo ra khả năng cân bằng cung - cầu ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng được đảm bảo.

Theo ông Tô Duy Lâm, tổng tài sản ngoại tệ trên bảng cân đối của các NHTM trên địa bàn có xu hướng giảm và đây là cơ sở để NHNN thực hiện quyết liệt các giải pháp chống đô la hóa. Nếu trước đây, hoạt động đầu cơ tài chính đã hút vốn rất lớn, thì năm 2013 nguồn lực vốn đã dồn vào sản xuất kinh doanh hạn chế rủi ro thị trường. Đặc biệt, việc loại trừ gần như triệt để các khoản tín dụng bằng vàng ra khỏi các NHTM đã ngăn chặn có hiệu quả những rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn của cả hệ thống.

Từ việc cắt giảm cầu tín dụng cho những hoạt động đầu cơ không tạo ra tăng trưởng thực cho nền kinh tế, vốn ngân hàng đã chuyển hẳn sang bù đắp cho DN sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu. Yếu tố thứ ba này đã có hiệu ứng lan tỏa ra thị trường đối với quá trình duy trì và phục hồi sản xuất. Vốn tín dụng lãi suất xoay quanh mức 9%/năm đã hướng vào 5 nhóm lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên, qua 2 năm, đang phát huy tạo ra sản lượng hàng hóa, dịch vụ thế mạnh của đất nước.

Năm 2014, với chỉ tiêu định hướng về kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ xây dựng, tăng trưởng GDP 5,8%, CPI dưới 7%... cho thấy mục tiêu ổn định vĩ mô tiếp tục thực hiện trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông Tô Duy Lâm, các ngân hàng sẽ phải thực hiện phân loại nợ, thu nợ... thay đổi mô hình tăng trưởng tín dụng từ chiều rộng sang chiều sâu, nhấn mạnh vào chất lượng tín dụng. Từ đó, có nguồn thu để trích lập dự phòng, tiếp tục giải quyết nợ xấu, bởi năm 2014 là năm bản lề công cuộc tái cơ cấu ngân hàng. Khi đó từng ngân hàng mới có cơ hội đáp ứng nguồn vốn tín dụng cho DN ngay từ nửa đầu năm 2014.

Nguyễn Đức

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện