Ba triệu công chức, viên chức sẽ được tăng lương?
Hôm nay (11/11), Quốc hội (QH) sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016. Trong đó vấn đề nổi bật nhất là chuyện tăng lương năm 2016 trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách đang gặp khó.
Lương cơ sở tăng 60.000 đồng/tháng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu (ĐB) Quốc hội Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cho biết theo dự thảo nghị quyết này, từ 1-5-2016 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang như vậy nếu nghị quyết được thông qua, người hưởng lương từ NSNN có hệ số từ 2,34 trở lên sẽ được tăng lương cơ sở thêm 60.000 đồng/tháng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục tăng 8% như năm 2015.
Bên cạnh đó, dự thảo cho hay cũng sẽ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, người trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời hạn công tác trước 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở. Thời điểm thực hiện từ 1-1-2016.
QH giao các bộ ngành, địa phương tính toán ngân sách được giao để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số bộ ngành, địa phương nghèo, ngân sách khó khăn.
Theo ĐB Thụ, với phương án tăng lương trên, cả nước sẽ có hơn ba triệu công chức, viên chức đang hưởng lương từ NSNN sẽ được tăng lương, kể từ lần tăng gần nhất với mức 9,5% của năm 2013. Trước đó, từ năm 2014 Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức tiền lương 8% cho người có công, người về hưu và những công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,34.
Sắp xếp được khoảng 11.000 tỉ tăng lương
“Chính phủ phải cân đối mọi nguồn thu chi tích cực để giải quyết câu chuyện tiền lương, điều chỉnh chi tiêu ngân sách để giữ nguồn tăng lương” - ông Thụ chia sẻ.
Chia sẻ với những khó khăn của NSNN trong năm 2016, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết sau khi cân đối các nguồn chi, Chính phủ nhận thấy có thể cân đối, sắp xếp được một số nguồn khoảng 11.000 tỉ đồng để tăng lương, cải thiện đời sống cán bộ, công chức, người làm công ăn lương.
“Mức tăng thêm 60.000 đồng/tháng là thấp so với nhu cầu của người lao động nhưng trong bối cảnh NSNN đang khó khăn, quyết định tăng lương cũng là nỗ lực của Chính phủ” - ông Lợi chia sẻ.
Theo ông Lợi, ban đầu Chính phủ có phương án tăng lương 8%, tương ứng 100.000 đồng/tháng. Dự kiến số tiền ngân sách bỏ ra để điều chỉnh lương mức này khoảng 29.000 tỉ đồng nhưng không cân đối được nguồn. Cuối cùng, để hỗ trợ cho công chức, viên chức, Chính phủ đã “liệu cơm gắp mắm”, cân đối với phương án 5%.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, mức tăng thêm 60.000 đồng là mức lương cơ sở, số tiền hằng tháng người lao động nhận được sẽ được nhân với hệ số và cộng thêm các khoản phụ cấp khác.
Đi cùng với chuyện tăng lương, ông Lợi đề xuất Chính phủ cần tích cực thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế để cải cách tiền lương. “Ngoài nâng mức lương cơ sở này thì Chính phủ phải cải cách cả hệ thống bậc lương; làm sao phần lương cứng phải cao hơn phần lương mềm. Tiền lương phải thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, làm tăng năng suất lao động” - ông Lợi nói.
GDP năm 2016: Đặt mức tăng trưởng 6,7% Trong sáng 10-11, 447/447 ĐBQH có mặt tại hội trường đã ấn nút tán thành thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2016 đặt ra là 6,7%; tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; lạm phát dưới 5%... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cho hay căn cứ vào dự báo tình hình quốc tế, trong nước và cân đối các nguồn lực thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 khoảng 6,7% là khả thi. Một số ý kiến băn khoăn về chỉ tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng 2016 là dưới 5% trong khi chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 dự báo chỉ tăng khoảng 2%. Ông Giàu cho rằng năm 2015 giá hàng hóa một số mặt hàng cơ bản trên thế giới như giá năng lượng, giá nông sản, giá lương thực; giá nguyên liệu thô và giá kim loại đều giảm sâu so với năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá hàng hóa thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2016 cùng với việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công sẽ tác động chỉ số giá tiêu dùng của nước ta tăng cao hơn mức 2015, đồng thời cân đối với các chỉ tiêu khác thì mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5% là phù hợp. Về kiểm soát các ngân hàng yếu kém, nghị quyết QH nêu rõ: Tăng cường công tác giám sát việc chuyển đổi sở hữu và quản lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thường xuyên thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các sai phạm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng thương mại và giao nhiệm vụ cho các cơ quan của QH tăng cường giám sát việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Nghị quyết QH cũng yêu cầu Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu QH thông qua. Điều hành lãi suất, tỉ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo nghị quyết của QH, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỉ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp. Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi NSNN bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ; xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, kiên quyết xử lý và thu hồi nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên,... |
Nguồn Pháp luật TP.HCM