Ba thách thức của ngành cá ngừ Việt Nam năm 2013
Theo các chuyên gia, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam năm 2012 tăng mạnh do 5 yếu tố là sản lượng khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm tăng mạnh, nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ để gia công xuất khẩu tăng, sản lượng khai thác cá ngừ ở một số nước giảm làm tăng lợi thế cho Việt Nam, nguồn lợi cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương giảm 96,4% và nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu tăng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng khai thác cá ngừ năm 2012 của 3 tỉnh trọng điểm Miền Trung ước đạt hơn 19.000 tấn, tăng 80,95% so với năm trước.
Và theo báo cáo của Tổ chức Môi trường Pew, nguồn lợi cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương đã giảm 96,4% do tình trạng lạm thác trong suốt nhiều thập kỷ qua. Do đó, nguồn nguyên liệu của những nước này bị ảnh hưởng lớn.
Thêm vào đó, xuất khẩu cá ngừ của Philippines và Thái Lan giảm do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Vì vậy trong năm qua, nhờ có sự thuận lợi về mùa vụ, các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm được áp lực về nguyên liệu, có được lợi thế hơn so với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, năm 2013 ngành cá ngừ Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn về chất lượng, nguồn lợi và thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và xuất khẩu mặt hàng cá ngừ.
Về nguồn lợi và chất lượng, theo báo cáo từ các tỉnh, kể từ đầu năm 2013, sản lượng đánh bắt cá ngừ vẫn trên đà tăng nhanh. Nghề câu cá ngừ đại dương sử dụng đèn cao áp mới xuất hiện tại Miền Trung tuy đã giúp nâng cao sản lượng nhưng lại làm giảm chất lượng cá khai thác.
Chất lượng cá ngừ câu bằng đèn thấp, khi xẻ ra thịt cá có màu hoặc đỏ bầm, hoặc nhợt nhạt, không đỏ tươi như cá câu truyền thống. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, rất có thể năm nay sẽ thiếu nguyên liệu đảm bảo chất lượng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Bên cạnh đó, thời tiết biển năm 2013 được dự báo sẽ không thuận lợi như năm ngoái, dẫn đến sản lượng cá khai thác sẽ giảm.
Năm 2013, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới việc gia nhập đầy đủ vào Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Do đó, dự báo áp lực về nguyên liệu cá ngừ sẽ buộc Việt Nam phải nâng cao khả năng giám sát từng tàu cá về vị trí hoạt động, cơ cấu sản phẩm và sản lượng khai thác, xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu nghề cá, điều tra trữ lượng nguồn lợi cá di cư, cung cấp số liệu thống kê, xây dựng hệ thống luật pháp và thực thi luật trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi... khi gia nhập tổ chức này.
Về thị trường xuất khẩu, VASEP nhận định khủng hoảng nợ công ở Châu Âu sẽ khiến nền kinh tế các nước Châu Âu 2013 tiếp tục ảm đạm, tác động tới các hoạt đông thương mại của các nước này. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ cao cấp sẽ tiếp tục giảm. Thay vào đó, nhu cầu đối với các sản phẩm có giá thấp như cá ngừ đóng hộp sẽ vẫn tăng mạnh. Khủng hoảng tại thị trường cá ngừ hộp của Mỹ sẽ còn tiếp tục trong những tháng đầu năm nhưng nước này vẫn phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt do bị hạn chế về sản lượng đánh bắt.
Xuất khẩu cá ngừ quý I/2013 dự báo vẫn tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước nhưng do trùng với thời gian nghỉ Tết nguyên đán của doanh nghiệp nên giá trị sẽ đạt khoảng 130 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 0,8% so với quý IV/2012.
VASEP dự báo tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ 2013 đạt trên 580 triệu USD, tăng 2,3% so với năm 2012. Ngoài EU, xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng sẽ khó khăn hơn trong năm nay. Các thị trường mới như Châu Á, Trung Đông, giá trị xuất khẩu có thể sẽ tăng từ 20-60% so với năm trước.
Nguồn Vasep/Khampha