Thứ Năm | 10/05/2012 15:23

Ba phương án được đề xuất về đổi mới mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Phương án kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ được quyết định tại Hội nghị Trung ương 5.
Trong những ngày tới, Hội nghị Trung ương 5 (từ ngày 7 đến 15/5) sẽ chuyển sang phần đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, đồng thời quyết định phương án kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN.

Cuối tháng 3, Ban Bí thư đã lập một BCĐ xây dựng đề án để giải quyết vấn đề lựa chọn mô hình cho Ban Chỉ đạo PCTN, giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì. Sáu mô hình đổi mới đã được gửi tới các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương để xin ý kiến, với các phương án từ cơ bản giữ nguyên như hiện nay, hoàn thiện cơ chế hoạt động, kiện toàn Văn phòng BCĐ nâng thành cơ quan thường trực của BCĐ... đến chuyển người đứng đầu từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và thậm chí cả bỏ luôn BCĐ.

Thủ tướng làm trưởng ban hay chuyển sang Quốc hội?

Kết quả đã được báo cáo Bộ Chính trị. Sau tổng hợp, phân tích và sàng lọc cho thấy đang nổi lên ba phương án.

Phương án thứ nhất là Thủ tướng vẫn là trưởng BCĐ như hiện nay, song bổ sung thêm Thường trực Ban Bí thư, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phó chủ tịch Quốc hội làm phó trưởng ban.

Ưu điểm của giải pháp này là không gây xáo trộn và việc nâng Văn phòng BCĐ từ cơ quan thuần túy chỉ “giúp việc” thành cơ quan thường trực của BCĐ sẽ phần nào khắc phục được sự đứt quãng giữa các cuộc họp BCĐ, để việc chỉ đạo PCTN được liên tục, chủ động hơn. Nhưng nhược điểm vẫn là người dân chưa tin, cho rằng người đứng đầu hành pháp gắn trực tiếp tới điều hành kinh tế-xã hội, quản lý tài sản, ngân sách, dự án... mà lại đồng thời đứng đầu BCĐ thì dễ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Phương án thứ hai, BCĐ Trung ương đặt trực thuộc Quốc hội. Người đứng đầu BCĐ có hai hướng hoặc là Chủ tịch Quốc hội làm trưởng ban hoặc bầu bổ sung chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm phó chủ tịch QH, đồng thời làm trưởng BCĐ. Thành viên BCĐ có một phó thủ tướng và một số ủy viên khác như hiện nay. Còn Văn phòng BCĐ thì chuyển thành cơ quan của Quốc hội, tương tự như Kiểm toán Nhà nước.

Ưu điểm lớn nhất của phương án này là BCĐ sẽ tương đối độc lập với hành chính nhà nước và đặc biệt có thể gắn chỉ đạo công tác PCTN với giám sát tối cao của Quốc hội, thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác PCTN. Mặt khác, có thể lồng ghép công tác chỉ đạo PCTN với giám sát, kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lập pháp thì không thuận tay với công tác chỉ đạo phối hợp giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể. Chưa kể, cũng có ý kiến băn khoăn là Quốc hội làm thì ai giám sát Quốc hội?

Tái lập Ban Nội chính Trung ương?

Phương án thứ ba là BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư làm trưởng ban, một số ủy viên Bộ Chính trị làm thành viên. Đồng thời tái lập Ban Nội chính Trung ương trên cơ sở chuyển Văn phòng BCĐ hiện nay về, giao chức năng làm cơ quan thường trực BCĐ. Như thế là thay đổi hẳn mô hình hiện tại, cả về thành phần BCĐ (hiện là lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương, lãnh đạo một số bộ, ngành).

Ưu điểm lớn nhất của phương án này là công tác PCTN được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bảo đảm sự độc lập tương đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; và đặc biệt là phù hợp với thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện hiện nay. PCTN là cốt lõi của chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên nên mô hình này cũng giúp thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên, ưu điểm cũng có thể trở thành hạn chế, bởi nguy cơ Đảng làm thay cơ quan nhà nước và có thể khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Mặt khác, mô hình này làm giảm tính công khai, minh bạch. Bởi hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN có thể bị coi là bí mật của Đảng, là công việc của Đảng, thực hiện theo điều lệ, quy định của Đảng, không có nghĩ vụ phải công khai, minh bạch với bên ngoài như khi đó là công việc của cơ quan nhà nước, trên cơ sở pháp luật. Chưa kể, công tác PCTN hiện nay vẫn phải báo cáo Quốc hội, bị Quốc hội giám sát thì khi đặt BCĐ sang bên Đảng thì làm sao Quốc hội giám sát được…

Như vậy, các phương án đề ra cho thấy khó có mô hình hoàn hảo. Vấn đề quan trọng là bên cạnh lựa chọn mô hình tối ưu nhất thì những người trong cuộc - nhất là thành viên BCĐ - phải thực sự muốn và dám chống tham nhũng.

Theo Nghĩa Nhân

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện