Thứ Ba | 11/12/2012 13:56

Bà Phạm Chi Lan: Vốn kinh doanh của các DNNN có thể lớn hơn nhiều con số thống kê

Theo bà Phạm Chi Lan, việc đổi mới mô hình quản lý DNNN cần tập trung và thực hiện trước hết và chủ yếu ở cấp trung ương.
Ngày 10/12, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO tổ chức hội thảo công bố báo cáo "Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

Báo cáo dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, đến đầu năm 2011 tổng vốn kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 3.492.601 tỷ đồng, chiếm 32,66% tổng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước.

Trong đó, các DNNN do Trung ương quản lý có tổng vốn kinh doanh là 3.190.995 tỷ đồng, chiếm 91,36% tổng vốn kinh doanh của các DNNN và bằng 29,84% tổng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước. Các DNNN do địa phương quản lý có số vốn kinh doanh là 301.606 tỷ đồng, chiếm 8,64% tổng vốn kinh doanh của các DNNN và bằng 2,82% tổng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước.

Nhận định về những con số đưa ra ở trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, số vốn kinh doanh này có lẽ chưa phản ánh đầy đủ toàn bộ nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước đang thay mặt toàn dân quản lý và giao cho các DNNN sử dụng: tài sản đất đai, trụ sở, nhà xưởng, các cơ sở kinh doanh, hầm mỏ, khoáng sản, rừng, nông trường, mặt nước, cảng biển, sân bay, cầu đường, các phương tiện vận tải lớn (máy bay, xe lửa, tầu thủy…), các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị…

Theo bà Phạm Chi Lan, khối tài sản to lớn này chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả sử dụng còn thấp, thất thoát, lãng phí, tham nhũng nhiều. Nếu quy số tài sản này ra giá trị thị trường đầy đủ bằng tiền, số vốn kinh doanh của các DNNN có lẽ còn lớn hơn nhiều.

Bà cho rằng, cần làm rõ và bao gồm cả khối tài sản này trong trách nhiệm quản lý của chủ sở hữu nhà nước, chứ không chỉ giao trách nhiệm quản lý số vốn bằng tiền. Quản lý khối tài sản này phức tạp hơn quản lý số vốn bằng tiền, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có trình độ và công cụ thích hợp.

Mặt khác, do số vốn ở các DNNN do Trung ương quản lý chiếm tới 91,36% tổng vốn kinh doanh của các DNNN, và có thể các tài sản khác cũng có tỷ lệ tương tự, nên cần tập trung cao nhất vào việc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với số DNNN này.

Điều này cũng có nghĩa là việc đổi mới mô hình cần tập trung và thực hiện trước hết và chủ yếu ở cấp trung ương, ở việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với những DNNN lớn, và chỉ có đổi mới căn bản ở cấp trung ương mới có thể mang lại kết quả có ý nghĩa cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận một thực tế rằng, những rối rắm trong luật pháp và cơ chế hiện hành cho thấy việc đổi mới tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN trong thời gian tới sẽ không hề dễ dàng, vì sẽ đụng chạm đến rất nhiều quy định trong các văn bản pháp quy hiện hành, đòi hỏi phải chỉnh sửa nhiều văn bản khác nhau.

Đồng thời việc thi hành cũng khó khăn, phức tạp không kém, do còn liên quan đến các quy định về chức năng, nhiệm vụ, sự phân công, phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện nay.

"Liệu cả hệ thống chính quyền có thay đổi được không, khi đằng sau chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, còn là các lợi ích gắn với khối vốn và tài sản khổng lồ, theo luật pháp thì là của công nhưng cách phân bổ, sử dụng và quản lý lại rất dễ bị lạm dụng để phục vụ lợi ích tư?", bà đặt câu hỏi.

Trong những bài học kinh nghiệm của các nước khác về tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, bà Phạm Chi Lan cho rằng, có 2 bài học cần quan tâm.

Thứ nhất, quá trình đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cần phải thực hiện một cách đồng bộ với với các biện pháp cơ cấu lại khu vực DNNN theo hướng giảm dần số lượng DNNN, những ngành nghề lĩnh vực có sự hiện diện của DNNN, nhất là đối với các nước chuyển đổi, có quy mô khu vực DNNN lớn; và các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, giám sát DNNN theo chuẩn mực kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, hình thành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhằm hạn chế nguy cơ quan liêu, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực to lớn của quốc gia.

Trong bối cảnh của Việt Nam, với quy mô quá lớn của DNNN và tính quan liêu, hiệu quả-hiệu năng còn hạn chế của bộ máy nhà nước, hai bài học trên rất cần được quan tâm. Có thể nói đó là tiền đề để đổi mới thực sự mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN. Không dựa trên những tiền đề đó thì đổi mới mô hình theo kiểu nào cũng khó thành công.

Nguồn Khampha


Sự kiện