Thứ Bảy | 07/12/2013 15:00

Bà Phạm Chi Lan: “Sợ nhất ngọn lửa kinh doanh của DN không còn”

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại hội thảo: “Kinh tế 2014 – CEO và những bài học trong tiến trình phát triển doanh nghiệp”.

Hội thảo do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chiều 6/12 tại Hà Nội.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng đầu năm nay đã có 54.932 doanh nghiệp (DN) giải thể và ngừng hoạt động. Trong đó, số các DN hoàn thành thủ tục giải thể là 8.857 DN, 46.075 DN khó khăn và tạm ngừng hoạt động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ hội cho DN trong năm 2014 là rất lớn, nhưng chỉ lo ngọn lửa kinh doanh của DN không còn

Nhìn vào những con số trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, những DN nào vẫn còn sống và phát triển tới giờ phút này phải được phong là “anh hùng”, vì họ đã kiên cường vượt qua những khó khăn và vươn lên.

Còn TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) chỉ dùng hai từ: bươn trải và trưởng thành. “Tôi khâm phục những DN nào đã vượt qua và phát triển trong bối cảnh này” – ông Thành nói.

Thế nhưng, điều đáng lo ngại, là dù còn “sống” nhưng niềm tin của khu vực DN tư nhân hiện đang suy giảm. DN vẫn còn dè dặt vẫn chưa định hướng được năm 2014 sẽ ra sao, vạch ra chiến lược phát triển thế nào, vì “bản thân họ vẫn chưa tin kinh tế thoát khỏi đáy và chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ thôi thắt chặt”.

Sụt giảm niềm tin của DN tư nhân, thể hiện qua chỉ số đầu tư giảm mạnh từ 15% GDP năm 2007 xuống còn 11,5% GDP năm 2013. Cùng với đó, trong báo cáo củ VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì chỉ có 33% DN cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất.

Nhân tố khác cũng cản trở khối DN tư nhân, đó là DNNN vẫn đang phủ cái bóng quá lớn trong nền kinh tế, trong khi lợi suất sinh lời của khối DN này lại quá thấp. DNNN mà cứ phủ bóng lên tất cả, “hút” mọi nguồn lực của Nhà nước thì ai còn cơ hội nữa.

Phân tích nguyên nhân, bà Phạm Chi Lan lo lắng, ngọn lửa kinh doanh trong mỗi DN sẽ dần tàn nếu tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn, lòng tin không còn.

“Sợ nhất là lửa tinh thần kinh doanh trong cộng đồng DN đang giảm dần, đây là điều khó. Nếu tinh thần kinh doanh ngay trong khối DN mà lại xuống thì không biết liệu các DN có thể bùng lên để mạnh lên không?”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng.

Đã tới lúc, theo bà Lan, khối DNNN nên dừng bớt sân chơi cho DN tư nhân, bằng cách Chính phủ phải đẩy mạnh hơn quá trình tái cơ cấu khối DNNN, phân bổ lại nguồn lực kinh tế, để khối DN tư nhân có nhiều cơ hội tiếp cận vốn hơn.

“DN phải thấy được vấn đề sống còn, đã thấm đòn nên phải thay đổi. Những thành công ngày hôm qua không đảm bảo cho thành công ngày hôm nay. DN cần tự tin, dám nghĩ mới, dám làm mới và tăng tốc thì thách thức sẽ biến thành cơ hội”- bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Chia sẻ với quan điểm của bà Chi Lan, TS. Võ Trí Thành khẳng định, năm 2014 là thời điểm quyết định của quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bằng việc thiết lập những cam kết hội nhập quan trọng với FTA, TPP…

Những cam kết này chúng ta sẽ tham gia với mức độ tự do hóa và chuẩn mực cao hơn, tốc độ nhanh hơn, đang được đặt ra và cường độ cạnh tranh trong nước tăng mạnh về nhiều mặt, nhất là từ 2015 trở đi. Đặc biệt, còn có sự hiện diện ngày càng lớn hơn, thị phần ngày càng lớn hơn của các doanh nghiệp FDI cũng như sự cạnh tranh của hàng hóa các nước ASEAN.

Trong bối cảnh đó, chìa khóa lấy lại lòng tin của thị trường và nhà đầu tư chính là ổn định kinh tế vĩ mô và đổi mới cơ cấu ở Việt Nam. Khi Việt Nam “kết nối” cùng với thế giới sẽ có nhiều cơ hội và thách thức. “Cơ hội nằm trong chính những thách thức. Vì vậy, nếu chúng ta không chấp nhận rủi ro thì không thể phát triển”- ông Thành nói.

Phó Viện trưởng CIEM cũng hy vọng năm 2014 sẽ có những đột phá rõ ràng cho thấy chính sách cải cách cơ cấu doanh nghiệp mà Chính phủ đặt ra so với thực tế có nhiều điểm tương đồng.

Nguồn Infonet


Sự kiện