Bà Merkel mới là mối lo cho kinh tế toàn cầu, chứ không phải Trump?
Dạo gần đây, người ta hay lo lắng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump, do cố ý hay vô tình, có thể gây ra xáo trộn toàn cầu vì phong cách lãnh đạo thất thường và không mấy quan tâm tới các thông lệ chính trị của ông.
Tuy nhiên, theo bình luận từ trưởng ban kinh tế Steve Goldstein của trang tin Market Watch, nếu có một nhà lãnh đạo nào có thể tạo ra một cú sốc cho kinh tế thế giới, có vẻ như người đó sẽ là Thủ tướng Đức Angela Merkel, chứ không phải là Trump.
Hôm thứ Hai, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra một đánh giá mới về Đức. Cơ quan này đã thể hiện sự bực bội rằng nước Đức vẫn chưa gia tăng chi tiêu hoặc giảm thuế, trong khi mức thặng dư ngân sách của năm 2016 lên tới 23,7 tỷ euro.
"Số thặng dư nên được tận dụng cho các dự án nâng cao tiềm năng tăng trưởng, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số, chăm sóc trẻ em, giúp người tị nạn hòa nhập với xã hội, và giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người lao động", IMF bình luận bằng ngôn ngữ kỹ thuật.
Theo Goldstein, bà Merkel có vẻ không buồn lắng nghe góp ý này.
Chỉ mới tuần trước, một ước tính mới đã được tiết lộ rằng Đức sẽ thu được 54 tỷ euro tiền thuế, nhiều hơn dự kiến trước đó. Bà Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble lập tức bác bỏ khả năng cắt giảm thuế nhiều hơn những gì đã được thông báo trước đó.
Theo Goldstein, thật là không thể hiểu nổi tại sao Đức lại khăng khăng tự áp đặt chế độ thắt lưng buộc bụng.
Nước Đức hiện vẫn đang dư thừa việc làm ở mức kỷ lục, nhưng tăng trưởng của nước này lại không phải là quá nhanh - IMF ước tính Đức chỉ tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2017, sau khi đạt 1,8% vào năm ngoái.
Lợi tức suất phiếu 10 năm của Đức chỉ là 0,42% vào thứ Hai - vì vậy có thể nói thị trường trái phiếu đang van nài chính phủ Đức tăng chi tiêu, hoặc cắt giảm thuế, để kích thích kinh tế như Trump đã hứa hẹn ở nước Mỹ.
Trong khi đó, ngành tài chính của Đức vẫn đang trong tình trạng cho vay quá mức. "Khả năng sinh lợi thấp phản ánh tính không hiệu quả về cơ cấu, các vấn đề về nợ xấu, các khoản bồi thường do bê bối gian lận tài chính, và sự cần thiết phải điều chỉnh môi trường pháp lý mới", là cách IMF mô tả về tình hình ngành ngân hàng Đức.
Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cũng đã đưa ra cảnh báo rằng việc lãi suất đang ở mức thấp, cộng thêm nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận của các ngân hàng, có thể dẫn tới bong bóng bất động sản. Giá nhà ở tại nhiều thành phố của Đức đã tăng 60% kể từ năm 2010.
Và đó là còn chưa nói tới những nước láng giềng của Đức trong khu vực đồng euro. Nền kinh tế Hy Lạp vẫn còn trong tình trạng trì trệ, 7 năm sau khi yêu cầu được cứu trợ. Tại Ý, phong trào dân túy Năm Sao có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới theo các cuộc thăm dò gần đây, khiến cho tương lai của đồng euro bị đặt dấu hỏi. Điều này là không có gì ngạc nhiên, khi nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này tiếp tục ở trong tình trạng trì trệ.
Cả Hy Lạp và Ý đều có thể được hỗ trợ chút ít từ Đức, hoặc là bằng cách kích cầu, hoặc là cải thiện được tính cạnh tranh nếu Đức tăng lương cho người lao động nước này.
Nhưng câu trả lời của nước Đức vẫn là "không".
Thật dễ dàng để nói rằng Merkel là nhà lãnh đạo mới của "thế giới tự do", và có lẽ là bà đúng là một người như vậy trong các vấn đề xã hội. Nhưng theo Goldstein, về mặt điều hành kinh tế thì bà Merkel lại tỏ ra là một người khá khinh suất, giống như Trump vậy.
Bá Ước
Nguồn Market Watch