Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Ảnh: TL.
Ba kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2022
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn trong năm 2021
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực với ngành dệt may là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero COVID-19 sang vừa thích ứng an toàn...
Tại Hội nghị tổng kết 2021 của ngành dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt trong quý III, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Năm 2021 ngành dệt may trải qua nhiều cung bậc trạng thái, cảm xúc khác nhau. Ảnh: TL. |
Ông Cẩm chia sẻ, năm 2021 ngành dệt may trải qua nhiều cung bậc trạng thái, cảm xúc khác nhau. Quý I các doanh nghiệp đã rất phấn khởi vì ký được hợp đồng đến hết quý. Nhưng đến tháng 5/2021 dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, lúc này doanh nghiệp thực sự lo lắng.
Đến quý III, là thời điểm dịch bệnh tác động đáng quan ngại nhất với ngành dệt may. Khi ngay tháng 7, COVID-19 bùng phát ở TP.HCM và lan rộng ra các tỉnh phía Nam, ngành dệt may có tín hiệu khó khăn. Tháng 8, xuất khẩu dệt may giảm tới 15,8% so với tháng 7, tháng 9 giảm 9,2% so với tháng 8, tháng 10 khá hơn một chút nhưng vẫn đang rất khó khăn. Đến tháng 10, các doanh nghiệp đa phần ở vùng dịch mới được mở cửa trở lại. Nên từ đó đến nay, tình hình sản xuất của ngành đã khả quan hơn.
Đại diện Vitas cho rằng, rào cản trong thông thương khiến xuất khẩu gặp thách thức, không nhập khẩu được nguyên liệu làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu do ngành chưa chủ động được.
Không những vậy, các thị trường chính của dệt may như Mỹ, EU, Nhật…lại đối diện với sự bùng phát của dịch bệnh khiến sụt giảm nhu cầu, sản xuất không xuất khẩu được. Đến khi các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam phục hồi cao thì dịch bệnh ở Việt Nam lại bùng phát. Lúc đó do thiếu nguồn lao động nên nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng xảy ra. Một số doanh nghiệp mỗi tuần bỏ ra khoảng 2 tỉ đồng để đảm bảo đơn hàng, quyết tâm giữ chân khách hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
Vitas xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo ba kịch bản
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song Vitas cho rằng, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật…đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero COVID-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỉ USD.
Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trung bình đạt 40 – 41 tỉ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.
Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỉ USD.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Ảnh: TL. |
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, theo ông Cẩm các doanh nghiệp cần nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.
Vitas sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt, Hiệp hội sẽ phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…