Ba khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tễ vĩ mô tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Hiệu ứng tác động từ thị trường thế giới đối với Việt Nam là một điểm nhấn cảnh báo.
Tâm điểm chú ý trong tháng 8/2015 là sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ và phản ứng của Việt Nam. Về sự kiện này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chính thức đưa ra đánh giá: “Động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường”.
Tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8 này đối với lạm phát được Ủy ban định lượng cụ thể trong báo cáo trên.
Cụ thể, dựa trên kỳ vọng của thị trường thông qua những thay đổi của lợi suất trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính Quóc gia đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm phần trăm, là mức tăng không đáng kể.
Do đó, cơ quan này giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.
Trong những tháng cuối năm, báo cáo đưa ra ba điểm cần lưu ý và khuyến nghị đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, với mức độ điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm Nhân dân tệ không bị phá giá mạnh hơn nữa, thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam.
Vấn đề là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ra sao, số liệu thống kê của Trung Quốc và cam kết của Chính phủ Trung Quốc có minh bạch, chính xác để củng cố lòng tin của thị trường.
“Do vậy, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội. Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%), tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô”, báo cáo đưa ra dự báo.
Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu, rộng và quy mô thị trường tài chính thế giới cao gấp 4-5 lần quy mô nền kinh tế thực, tâm lý thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo đó, Ủy ban Giám sát đưa ra cảnh bảo: “Nếu phần lớn các nhà kinh doanh, đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng cùng chiều thì sẽ tạo thành một lực cung - cầu rất lớn, có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của các chính phủ. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khuyến nghị: cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động”.
Thứ ba, điểm nhấn khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là công tác truyền thông.
Theo Ủy ban, thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường.
“Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần tăng cường công tác truyền thông để định hướng thị trường theo mục tiêu chính sách. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cần linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động”, báo cáo viết.
Nguồn VnEconomy