AVS sẽ họp ĐHCĐ về rút nghiệp vụ môi giới vào cuối tuần này
Kết quả kinh doanh của AVS qua các năm
Theo báo cáo tài chính của AVS, năm 2009, công ty đạt 131 tỷ đồng doanh thu. Tới năm 2011, doanh thu của AVS còn 41 tỷ đồng. 9 tháng năm nay công ty đạt doanh thu 24,9 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng
Không chỉ thay đổi về tổng doanh thu, cơ cấu doanh thu của AVS cũng có sự thay đổi.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của AVS, năm 2008, tỷ trọng doanh thu khác trong cơ cấu tổng doanh thu của AVS nhỏ (dưới 15%). Tới năm 2011, doanh thu khác chiếm gần 50%. Khoản doanh thu khác này là lợi nhuận của AVS khi cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư như cầm cố, ứng trước, ký quỹ.
9 tháng đầu năm nay, doanh thu khác của AVS chiếm 55% tổng doanh thu. Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán của AVS gần 2,5 tỷ đồng; trong đó riêng trong quý III chỉ đạt 500 triệu đồng, giảm mạnh so với quý II (1,15 tỷ đồng).
Trong hơn 5 năm hoạt động, từ năm 2007 tới nay, AVS đã lỗ trong 3 năm. Trong đó, đặc biệt năm 2008 lỗ 172,5 tỷ đồng. 9 tháng năm nay, công ty lỗ 9,3 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối tới ngày 30/9 âm 150,3 tỷ đồng, bằng 41,7% vốn điều lệ của công ty.
Cơ cấu tài sản
Tại thời điểm 30/9/2012, AVS có 228,5 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tương đương với 96% tổng tài sản; trong đó, đã có 159 tỷ đồng (66% tổng tài sản) là tiền và tiền gửi. Trong khi đó, nợ của AVS chỉ là 20,8 tỷ đồng.
Rút nghiệp vụ môi giới
Trả lời phỏng vấn của báo Đầu tư chứng khoán ngày 9/10/2012, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVS, cho biết AVS đã giảm đáng kể chi phí hoạt động sau khi cắt giảm tối đa chi nhánh, văn phòng đại diện, thậm chí một số bộ phận tại Hội sở chính. Nhưng như vậy là chưa đủ trong bối cảnh TTCK khó khăn kéo dài, nên AVS phải đi đến một quyết định rút môi giới, để giảm thiểu chi phí hoạt động.
Để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tất toán tài khoản, từ ngày 24/10-30/10, AVS đã mua tất cả cổ phiếu lẻ của nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại AVS. Cụ thể, AVS mua từ 1-9 cổ phiếu đối với các cổ phiếu niêm yết tại HSX và từ 1-99 cổ phiếu đối với cổ phiếu niêm yết trên HNX, với giá bằng 90% giá tham chiếu tại ngày giao dịch.
Trước AVS, cũng từng có một số doanh nghiệp khác tự nguyện xin rút nghiệp vụ môi giới như Công ty chứng khoán Gia Anh, Đông Dương và Công ty chứng khoán Hà Nội. Gần đây, Công ty chứng khoán Sao Việt cũng họp Đại hội cổ đông xin rút nghiệp vụ môi giới.
Nếu AVS được cổ đông thông qua và được Ủy ban chứng khoán chấp thuận cho rút nghiệp vụ môi giới, các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng sẽ chấm dứt tư cách thành viên đối với AVS. Tuy nhiên, môi giới chỉ là 1 trong 5 nghiệp vụ chính mà AVS được phép thực hiện.
Rút nghiệp vụ môi giới không có nghĩa là AVS phá sản, đó chỉ là việc thu hẹp một mảng hoạt động. AVS vẫn tồn tại và vẫn được phép thực hiện các nghiệp vụ khác ngoài môi giới.
Nguồn Khampha