Asia Frontier Capital lập quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam vì tin vào triển vọng phục hồi
Ngày 02/12, công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital Limited (AAFF) thông báo vừa thành lập một quỹ mở đầu tư vào các cổ phiếu Việt Nam với tên gọi “AFC Vietnam Fund” thuộc Quần đảo Cayman và có quy mô dự kiến 50 triệu USD.
Tính tới ngày 31/10/2013, AFC Asia Frontier Fund đã đầu tư vào cổ phiếu của 109 công ty, 2 quỹ đóng đầu tư, 1 cổ phiếu lưu ký toàn cầu (GDR) và giữ 9,0% tiền mặt. Xét về mặt phân bổ tài sản đầu tư, Việt Nam đứng đầu với 20,2%, tiếp theo là Bangladesh (16.2%) và Pakistan (12.1%). Các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm hàng tiêu dùng (45,0%), vật liệu (10,8%), và tài chính (10,4%).
Triển vọng phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam
Cách đây vài năm, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động rất lớn do lạm phát tăng cao, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng, và đồng VND mất giá. Tuy nhiên mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi trong năm 2013. Chỉ số VN-Index của Việt Nam đã tăng 13,6% so với đầu năm và tăng hơn 23,0% so với cùng kỳ. Chứng khoán Việt Nam có triển vọng lạc quan do chính sách của chính phủ Việt Nam tập trung vào các biện pháp cải cách kinh tế, giảm lạm phát và phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Giảm nợ xấu
Để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng, chính phủ thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC), phát hành trái phiếu đặc biệt để giúp các ngân hàng xóa các khoản nợ xấu lên tới 10 nghìn tỷ đồng (474 triệu USD) trong 2 tháng tới. VAMC có thể mua lượng trái phiếu lên đến 3 tỷ USD từ các ngân hàng để phục hồi niềm tin nhà đầu tư, phục hồi khả năng cho vay của ngân hàng, và tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Cắt giảm lãi suất và đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu
Chính phủ Việt Nam đã cắt giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ xuất khẩu. Lĩnh vực xuất khẩu đã được cải thiện, với kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 62,05 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà sản xuất đang tìm cách chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc do chi phí lao động gia tăng và đồng Nhân dân tệ tăng giá. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang dịch chuyển từ việc sản xuất hàng hóa có giá trị thấp như dệt may và chế biến thực phẩm sang các hàng hóa có giá trị cao hơn như phụ tùng ô tô và máy móc.
Hợp nhất 2 sàn chứng khoán
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh việc cải cách thị trường chứng khoán. Một trong những dấu hiệu là việc đề xuất hợp nhất hai sàn chứng khoán của Việt Nam, sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM "HOSE" và sàn chứng khoán Hà Nội "HNX". Hai sàn chứng khoán, với tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết hơn 40 tỷ USD, sẽ được hợp nhất để tạo thành sàn chứng khoán Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam sẽ đề xuất việc sáp nhập 2 sàn này trong quý 4 năm nay.
Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Một trong những kế hoạch cải cách của chính phủ Việt Nam là nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài được đề xuất tăng lên 60% so với mức 49%, hiện đang được áp dụng tại các công ty trong một số lĩnh vực nhất định.
Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT)
Vao tháng 7, Việt Nam đã đưa ra các quy định thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Các quỹ REIT sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam giảm bớt sự thiếu hụt về vốn thông qua việc cung cấp nguồn vốn trị giá 10 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2011-2015. Quy định mới này sẽ làm tăng nguồn tài chính cho lĩnh vực bất động sản thông qua việc tạo ra cơ chế đầu tư mới, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mô hình quỹ REIT đã thành công ở một số nước ASEAN như Singapore, Malaysia, và Thái Lan.
Kinh doanh sòng bài
Một lĩnh vực cuối cùng mà chính phủ Việt Nam dường như đã sẵn sàng cải cách là bãi bỏ lệnh cấm công dân Việt Nam vào sòng bài. Theo luật hiện hành, công dân Việt Nam không thể đánh bạc trong sòng bạc trong nước, và nhiều người đã phải sang các sòng bạc ở Campuchia hoặc Macau.
Tuy nhiên, chính phủ gần đây đã cho phép công dân Việt Nam vào sòng bạc trong một khoảng thời gian thử nghiệm nhất định. Thay đổi này có thể thu hút các hãng kinh doanh sòng bài như Las Vegas Sands và Genting. Các hãng kinh doanh sòng bài đang mong muốn tăng lợi nhuận từ việc đầu tư vào quốc gia có 90 triệu dân này. Nếu luật cấm hiện hành được bãi bỏ hoàn toàn, các nhà đầu tư nước ngoài có thể xem kinh doanh sòng bài ở Việt Nam là một cơ hội đầu tư hấp dẫn, và có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Kiều hối
Kiều hối là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với các thị trường mới nổi. Thế giới có khoảng 232 triệu người lao động ở nước ngoài với lượng kiều hối 401 tỷ USD trong năm 2011. Dòng kiều hối dự kiến sẽ tăng trưởng 8,8%/năm trong 2 năm tới, đạt 515 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên khối lượng thực sự của kiều hối vẫn còn cao hơn so với báo cáo chính thức là 25-50% do những người lao động ở nước ngoài gửi tiền về nhà thông qua người bạn bè, người thân chứ không phải thông qua các kênh chuyển tiền chính thức như ngân hàng hoặc công ty chuyển tiền.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của kiều hối khiến các tổ chức lớn như ngân hàng thế giới World Bank và quỹ tiền tệ thế giới IMF sử dụng kiều hối làm một trong những tiêu chí xếp hạng tín nhiệm tín dụng của một số quốc gia (bao gồm Việt Nam)
Theo AAFF, 3 quốc gia Pakistan, Bangladesh và Việt Nam nhận được không dưới 1 tỷ USD kiều hối mỗi tháng và số lượng kiều hối sẽ tiếp tục tăng.
Ngày 2/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo lượng kiểu hối trong năm 2013 chuyển về các nước đang phát triển. Theo dự báo này, Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2013. Con số mà WB dự báo Việt Nam sẽ nhận được là 11 tỷ USD, cao hơn mức 9 tỷ USD tổ chức này từng dự báo cho năm 2012.
Các biện pháp cải cách kinh tế và việc bãi bỏ một số quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho thấy triển vọng lạc quan của thị trường vốn Việt Nam. Với thị trường 90 triệu dân và các biện pháp cải cách kinh tế vững chắc, Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường phát triển kinh tế.
Chuyến thăm Việt Nam
Để có thể hiểu thêm về Việt Nam, Ruchir Desai, chuyên gia phân tích đầu tư của AAFF đã tới Việt Nam trong tháng trước. Điểm đến của ông tại Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Một trong những đồ uống Việt Nam gây ấn tượng nhất đối với ông là "Cà phê Sữa Đá". Ông Desai nói "Sau các cuộc họp tôi được thưởng thức một trong những đồ uống được ưa chuộng nhất Việt Nam - cà phê sữa đá. Cà phê của Việt Nam rất đặc do được làm từ Robusta có hàm lượng caffeine nhiều hơn so với Arbica. Do vậy mà cà phê rất đắng. Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới sau Brazil với sản lượng 1,2 triệu tấn trong năm 2012."
Chuyến thăm Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng cho ông. Tại Việt Nam ông có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhiều đối tác của công ty, giúp ông có thể đưa đánh giá chính xác về tình hình kinh tế Việt Nam vào thời điểm hiện nay.
Ông cho biết "Tôi chưa nghe thấy bất kỳ ý kiến tiêu cực đáng kể nào về Việt Nam hay nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng và bất động sản của Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, so với năm 2011 tình hình đã được cải thiện hơn nhiều. Tôi cho rằng Việt Nam đang tiến về phía trước và chúng ta chỉ có thể thấy được điều này nếu chúng ta tới Việt Nam."
Quần đảo Cayman thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, bao gồm 3 đảo: Grand Cayman, Cayman Brac và đảo Little Cayman. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi (nước biển sâu, thắng cảnh đẹp...), nơi đây đang là điểm đến hấp dẫn cho những khách du lịch đam mê môn thể thao lặn biển.Ngày nay, Cayman còn được biết đến như một trung tâm dịch vụ tài chính xa bờ toàn cầu; một trung tâm tài chính của quần đảo Caribe.Quần đảo Cayman coi là thiên đường về thuế. Quần đảo này có mức thuế suất thấp và mức độ bảo mật thông tin tài sản của các doanh nghiệp và cá nhân rất cao. Người dân và các doanh nghiệp tại quần đảo Cayman không phải nộp thuế nên không có các loại thuế như thuế thu thập cá nhân, thuế thặng dư vốn và thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần lớn nguồn thu của Chính phủ đến từ việc đánh thuế gián tiếp. Các hàng hóa nhập khẩu vào Cayman bị đánh mức thuế từ 5%-22%.Một điểm rất đặc biệt của Cayman là quần đảo này có số doanh nghiệp nhiều hơn người dân. VinaCapital, Indochina Capital, Mekong Capital, Saigon Asset Management Corporation đều là những công ty quản lý quỹ hoạt động mạnh tại Việt Nam đến từ Cayman. |
Nguồn Dân Việt/seekingalpha/asiafrontiercapital/vietstock/wikipedia/vneconomy