Ảnh: VnReview.vn

 
Hà Linh Thứ Hai | 24/06/2019 10:41

Asanzo cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng?

Asanzo đã cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của mình. Điều này vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận.

Liên quan đến thông tin công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc về ghi xuất xứ Việt Nam, ngày 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo.

 Viết trên trang facebook cá nhân, bà Vũ kim Hạnh cho biết, sau khi tham khảo thông tin từ bài điều tra của báo Tuổi Trẻ “...Ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu (Asanzo) từ Trung Quốc...Trong năm 2018, 2019, công ty CP tập đoàn Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu gì từ Trung Quốc”.

Theo bà Hạnh,"đối chiếu với hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp cho Hội doanh nghiệp HVNCLC, chúng tôi thấy doanh nghiệp cho biết là DN sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng tại 2 nhà máy: nhà máy 1 rộng 5.000 m2 và nhà máy 2 rộng 1.740 m2 là không đúng với thực tế". 

"Chúng tôi có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của mình, cũng là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận”, bà Hạnh cho biết. Từ đó, "chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng".

Trước đó, năm 2017, hai sản phẩm Tivi và Thiết bị Smart Box (cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất) của Asanzo đã được cấp chứng nhận hàng việt nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn.  

Asanzo co tinh khai bao sai ve xuat xu hang?
70-80% phần cứng của Asanzo được nhập từ nước ngoài. Ảnh: Dantri.vn

Theo bà Hạnh, việc bình chọn vào trao danh hiệu cho Asanzo được thực hiện theo đúng quy trình. Cụ thể: Tổng số phiếu điều tra là 2/10.000 dân số. Phương pháp thực hiện, phỏng vấn người tiêu dùng, các chủ tiệm bán lẻ và điều tra online. Phiếu điều tra gồm câu hỏi chính về ý kiến lựa chọn của người tiêu dùng về (chất lượng) sản phẩm được cho là có chất lượng cao từng ngành, kế là cho điểm 5 yếu tố: giá, mẫu mã, uy tín thương hiệu, bảo hành, mạng phân phối. Trong hơn 3 tháng cuộc điều tra trải qua 2 bước.

Bước 1, tổ chức khảo sát người tiêu dùng trên cả nước, hình thức phỏng vấn trực tiếp. Kết quả sơ bộ được đăng rộng rãi trên báo chí. Và sau khi công bố xong thì qua bước 2, làm tiếp 3 bước nữa. Trường hợp Asanzo, quá trình minh bạch thêm là ở bước 2, cơ quan chức năng không phát hiện doanh nghiệp làm ăn gian dối; báo chí và các đoàn thể của người tiêu dùng cũng không có ý kiến nào về Asanzo.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng cho rằng thực tế hiện nay, nhà nước chưa quản lý hết tình hình gian lận thương mại, việc thực thi trên cả nước cũng chưa nghiêm. "Nếu cơ quan quản lí bất cập như vậy thì hiện nay, vẫn đang diễn ra một thực tế mà doanh nghiệp làm ăn chân chính Việt Nam rất lo âu, là sẽ còn không ít doanh nghiệp hành xử như Asanzo, nhưng quy mô nhỏ hơn, ít truyền thông ồn ào và chưa được phát hiện", bà Hạnh khẳng định.

Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng cho biết thêm, Ban chấp hành Hội sẽ tập trung tổng rà soát tất cả danh sách DN được bình chọn 2019 trong tình hình đặc biệt hiện nay, việc đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để giả xuất xứ VN ngày càng nghiêm trọng.