Artemia: Từ đồng muối ra cảng biển
Có những giống nuôi trồng xuất xứ từ nước ngoài nhưng khi được khảo nghiệm tại Việt Nam lại có chất lượng tốt hơn giống bố mẹ. Đặc biệt, giống Artemia nuôi tại Việt Nam không chỉ được đánh giá tốt hơn so với giống tại Mỹ mà còn được nhận định có chất lượng đang dẫn đầu thế giới.
Artemia là tên khoa học của một loài giáp xác, thường sống ở biển tự nhiên hoặc được nuôi trong ruộng muối. Trong số những nguồn thức ăn tươi sống sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi thủy sản, ấu trùng Artemia được sử dụng rộng rãi làm thức ăn cho các loại thủy, hải sản ở giai đoạn bột.
Đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, nhiều đạm và acid béo không bão hòa. Trứng Artemia được dùng làm thức ăn cho cá, tôm bột, cá cảnh hay cua và ốc hương. Hằng năm, trên thị trường thế giới có khoảng 2.000 tấn trứng bào xác khô được bán ra quanh năm với nhiều nguồn khác nhau.
“Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Artemia được dùng làm thức ăn cho tôm càng xanh, cua con và tôm giống thẻ, sú. Nhưng tại các quốc gia khác, loại ấu trùng này còn được dùng làm thức ăn cho cá cảnh có giá trị cao”, kỹ sư Cao Thành Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu, cho biết.
Cầm trên tay mẫu trứng Artemia đã được sấy khô có màu nâu đỏ để giới thiệu cùng NCĐT, ông Văn giải thích, loại trứng Artemia của Việt Nam, sau khi xử lý để tách vỏ, xác suất nở đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của các nước khác như Mỹ, Nga, Trung Quốc chỉ đạt khoảng 70-75%.
“Trong một cuộc triển lãm tại TP.HCM, các đối tác tại Hy Lạp đã rất quan tâm đến sản phẩm Artemia vì biết vỏ trứng sau khi nở sẽ tự động nổi lên mặt nước. Họ đã bắt đầu những đơn hàng thử nghiệm từ 100 kg và đến nay là 1,5 tấn mỗi năm”, ông Văn chia sẻ.
Các nhà ươm giống rất quan tâm việc vỏ trứng có tách được hay không để tránh tình trạng tắc ruột có thể gây chết cá. Ngoài ra, trứng Artemia được nuôi tại Việt Nam có dinh dưỡng cũng cao hơn một số nơi khác, thậm chí ngay cả nơi xuất xứ là Mỹ.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng Artemia tại thị trường nội địa khá lớn nhưng giá bán thấp chỉ ở mức khoảng 80 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu đạt 160-170 USD/kg, cao điểm lên tới 200-210 USD/kg. “Hiện nay, Hợp tác xã Vĩnh Châu-Bạc Liêu là một trong số rất ít đơn vị sản xuất được Artemia để xuất khẩu. Điểm quan trọng không phải giá bán mà là phải giữ giá cho bà con sản xuất có lời. Giá hiện tại cao gấp đôi nhưng chúng tôi mong muốn sẽ đưa giá lên mức cao hơn giá nhập khẩu khoảng 20%. Khi đó, sẽ dễ dàng có đầu ra hơn, sức cạnh tranh cũng tốt hơn thay vì hiện tại các đối tác dễ dàng ép giá đợi lượng tồn tăng mới thu mua số lượng nhiều”, ông Văn giải thích.
Với giá thu mua trứng tươi khoảng1 triệu đồng/kg, trung bình mỗi người dân sẽ thu được 50 triệu đồng mỗi ha. Năm nay, bà con sản xuất đạt được năng suất bình quân từ 100-150 kg trứng/ha, so với các loại thủy sản khác. Ước tính, mỗi năm vùng nguyên liệu của Hợp tác xã Vĩnh Châu-Bạc Liêu sản xuất được khoảng 10 tấn Artemia, trong đó xuất khẩu ủy thác khoảng 6 tấn sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật và Thái Lan...
Hiện nay, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu phát triển theo hình thức liên kết với các hộ dân để xây dựng vùng nuôi với tổng diện tích nuôi hơn 300 ha. Mặc dù mỗi năm chỉ nuôi được khoảng 2 vụ nhưng do thời gian thu hoạch ngắn chỉ sau 20 ngày, vốn đầu tư thấp, khoảng 3 triệu đồng, nên thu hút nhiều người dân tham gia nuôi. Cách thức nuôi khá đơn giản, chỉ cho ăn và duy trì độ mặn ở mức thích hợp để Artemia bố mẹ đẻ trứng, nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất của loài này cũng là nhiệt độ phổ biến tại miền Nam. Mặt khác, rủi ro thấp hơn rất nhiều so với nuôi tôm nên một số hộ cũng tận dụng ao tôm để nuôi đa canh.
Ông Võ Thanh Ước là một trong những người từng tham gia thực nghiệm cùng Đại học Cần Thơ và các chuyên gia Hà Lan, Mỹ nuôi Artemia hơn 30 năm tại huyện Vĩnh Châu. Ông cho biết: “Khó khăn nhất đối với người nuôi đó chính là vấn đề về thời tiết, triều cường hoặc mưa thất thường gây ảnh hưởng đến độ mặn của môi trường nuôi và nguồn thức ăn cho Artemia từ phân gà. Ở thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, nguồn phân gà không dùng được cũng sẽ gây ảnh hưởng. Nhưng kể từ khi phát triển được tảo làm thức ăn cho Artemia, cũng đã giải quyết được vấn đề này”.
Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu đưa ra được sản phẩm trứng sấy khô có thể để ở nhiệt độ phòng được 1 năm và bảo quản ở nhiệt độ dưới 10-15 độ sẽ được 3 năm hoặc hơn trong khi các sản phẩm khác của Bỉ, Mỹ chỉ được khoảng 6 tháng. Ngoài ra, hợp tác xã này đang phát triển thử nghiệm thành công nuôi Artemia trên ruộng muối và trên ao tôm vì nguồn bã thải của tôm là thức ăn rất tốt cho Artemia. Do đó, đây cũng là cơ hội cho nhiều hộ diêm dân trong thời điểm muối mất giá trầm trọng. Ông Văn chia sẻ, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình ra cho bà con thực hiện, vừa tăng được sản lượng nuôi vừa hưởng ứng được mô hình nuôi tôm an toàn.
Gần đây, ngoài mô hình nuôi chuyên canh, tại vùng ven biển ở thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình, nhiều hộ diêm dân đã áp dụng nuôi Artemia xen canh sản xuất muối cho thu lãi khá. Đây là mô hình được đánh giá khá hiệu quả, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng bỏ đất trống vì thiệt hại do nuôi tôm công nghiệp.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi Artemia (hay còn gọi là tôm đồng muối) từ gần 200 ha lên 500 ha, tập trung ở các địa phương ven biển như thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải... Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bạc Liêu, cho biết, theo kế hoạch, Tỉnh đầu tư hơn 17 tỉ đồng cho dự án, tập trung vào các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, con giống, hỗ trợ vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đức Tài